Thứ 5, 09/05/2024 11:03:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phóng sự - Ký sự 06:29, 20/08/2019 GMT+7

BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Vững vàng DK1 giữa biển khơi - Bài 1

Thứ 3, 20/08/2019 | 06:29:00 420 lượt xem

>> Đoàn công tác số 11 đi Trường Sa đã hoàn tất hải trình
>> Tàu kiểm ngư KN-490 khởi hành đi thăm, làm việc với quân, dân quần đảo Trường Sa
>> Đoàn công tác số 11 đi thăm, làm việc với quân, dân quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1
>> Đoàn cán bộ Bình Phước ra thăm chiến sĩ, nhân dân ở Trường Sa

>> Bình Phước với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc
>> Những hoạt động có ý nghĩa thiết thực về biển đảo, biên giới
>> Biển đảo trong tim người Việt Nam
>> [Video] Tỉnh ủy Bình Phước và Đảng ủy Quân chủng Hải quân ký kết phối hợp tuyên truyền
>> [Video] Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Bình Phước hướng về biển đảo Tổ quốc”
>> 3 nội dung phối hợp tuyên truyền biển đảo, biên giới đất liền giữa Tỉnh ủy Bình Phước với Đảng ủy Quân chủng Hải quân

NƠI ĐẢO XA - ĐỒNG LÒNG TRIỆU NGƯỜI VIỆT NAM

BP - Những ngày này, cả dân tộc Việt Nam cùng hướng về mốc son kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Là người con của dân tộc, không ai không xúc động và tự hào khi chạm vào những mốc son chói lọi ấy. Nhưng những ngày này, cả dân tộc cũng hướng về một sự kiện khác đang là vấn đề thời sự không chỉ người Việt Nam, mà cả bạn bè các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế quan tâm, lên tiếng: Nhóm tàu khảo sát Hải Dương 08 của Trung Quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực phía Nam biển Đông - tại cụm Tư Chính.

Đây không phải lần đầu tiên tàu của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa cũng như xâm phạm chủ quyền biển đảo, thậm chí chiếm đóng trái phép một số đảo trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Vì tình bằng hữu, vì đại cục, Đảng và Nhà nước ta vẫn kiên trì đấu tranh mềm dẻo nhưng quyết liệt bằng con đường ngoại giao. Cả dân tộc Việt Nam cũng đã và đang dốc sức, dốc lòng vì biển đảo của Tổ quốc. Những người con ưu tú của Bình Phước cũng đang sát cánh cùng đồng đội trong cả nước, bền chí, chắc tay súng giữa biển.

Dịp kỷ niệm 64 năm Ngày thành lập Quân chủng Hải quân và 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 20 cán bộ tỉnh Bình Phước cùng với gần 200 cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, địa phương đã lên tàu kiểm ngư KN-490 đến tận nơi chia nắng, chia mưa, chia nỗi nhớ với những người lính đảo Trường Sa. Biển đảo là một phần máu thịt của dân tộc không thể tách rời - chân lý ấy thấm nhuần hơn với những ai đi trong hải trình. Và hải trình đó cùng với các hải trình khác không ngừng nối tiếp nhau cũng làm cho chân lý ấy trở nên đẹp đẽ hơn, hiện thực hơn.

Công trình kỳ vĩ giữa biển khơi

Hải trình tàu kiểm ngư KN-490 đi một vòng từ vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa thẳng hướng Đông ra biển, tới các đảo, sau đó rẽ hướng vùng biển phía Nam rồi trở về điểm xuất phát tại vịnh Cam Ranh. Sau khi thăm và làm việc tại 11 đảo, trước khi thẳng hướng đất liền, điểm đến cuối cùng trên biển là Nhà giàn DK1/14 cụm Tư Chính 5. Khác với những ngày đầu đi biển phần lớn thành viên đoàn đều say sóng và đứng không vững, điểm cuối ai cũng vui tươi, khỏe khoắn và tự tin. Thế nhưng, cách nhà giàn khoảng 5.000m, KN-490 dừng neo đậu, chỉ huy tàu thông báo: “Đề nghị đại biểu tuyệt đối chấp hành việc đi giày, dép theo quy định... Đặc biệt, khuyến cáo những ai huyết áp cao, huyết áp thấp, sợ độ cao không nên xuống xuồng vào thăm nhà giàn. Xin nhắc lại, lưu ý những ai huyết áp cao, huyết áp thấp, sợ độ cao không nên vào thăm nhà giàn”.

Nhiều người đã bất ngờ với thông báo này. Có người tự hỏi: “Sao vào 11 điểm đến trước không có lưu ý đặc biệt này, giờ lại có?”. Có người đùa vui rằng: “Đi biển sao không khuyến cáo người sợ độ sâu mà lại khuyến cáo người sợ độ cao?”... Thông báo được phát đi phát lại 3 lần trên toàn tàu, sau đó chỉ huy tàu mới ra lệnh mở cửa và thả ca nô để đưa từng tốp 15-20 người vào nhà giàn.

Các tấm năng lượng mặt trời phủ kín bề ngoài của nhà giàn DK1/14 - cụm Tư Chính 5Các tấm năng lượng mặt trời phủ kín bề ngoài của nhà giàn DK1/14 - cụm Tư Chính 5

Nhà giàn DK1 trên biển xa xa nhìn như cái tổ chim trên mặt biển, lại gần hơn như những chiếc nhà chòi trên các con sông lớn của người dân miền Tây. Nhìn xa như vậy, thế nhưng càng lại gần càng khiến mọi người ngạc nhiên. Các nhà giàn trên biển của nước ta là những công trình kỳ vĩ giữa biển khơi. Mỗi nhà giàn DK1 là một cụm gồm 2 nhà giàn dựng lên giữa biển khơi, được làm trong những thời điểm khác nhau và hoàn thiện dần dần. Một nhà được dựng trên 6 cột và một nhà được dựng trên 4 cột sắt, đế là các khối bê tông khổng lồ. Lại gần mới thấy những cột sắt này đoạn mép nước phải 3 người vòng tay ôm có khi không hết. Các cột được đan với nhau bởi những khung sắt cực lớn, rồi những tấm thép, bê tông lớn xếp lại với nhau tạo thành mặt phẳng làm nhà ở, nơi làm việc... Mỗi cột đều có các trụ chống với nhiều kỹ thuật khác nhau.

Một phần máu thịt của dân tộc

Nước trong xanh nhìn thấy đáy biển, thấy trụ bê tông khổng lồ và đàn cá tung tăng quanh cầu bắc lên nhà giàn. Lát cắt dọc thì như thế, nhưng lát cắt ngang từ mặt nước xuống đế nhà giàn khoảng 15-20m, sóng dội lên cao 3-7m. Vì thế, ca nô cập vào cầu lên nhà giàn vô cùng khó khăn và nguy hiểm, chỉ một cái nắm tay của các chiến sĩ hải quân không chính xác, không dứt khoát, không mạnh mẽ hay người lên cầu không nhanh nhẹn thì có thể bị rơi ngược trở lại ca nô, thậm chí sảy chân có thể rơi xuống biển. Đã nhiều lần lên - xuống ca nô trên biển nhiều ngày liền nên cả đoàn không có sơ suất nào. Vào cầu dù khó khăn do sóng cao hơn những điểm khác, nhưng lên nhà giàn là một cảm giác khác hẳn. Không như trên đảo hay trên tàu KN-490 luôn bồng bềnh, càng bước lên nhà giàn di chuyển càng phụ thuộc vào... tay nhiều hơn. Bởi đó là đi lên bậc thang dốc đứng, là những thanh sắt thưa, bề ngang rộng khoảng 1,2m, bốn bề là biển mênh mông sóng cuộn và leo lên tới sàn nhà của nhà giàn ước chừng khoảng 40m tính từ mặt nước biển. Nhiều người sợ độ cao chân đi líu ríu, hai tay bám chặt vào hai thanh sắt thành của bậc thang. Nhiều người đã khi bước bậc thang không dám nhìn xuống biển mà chỉ nhìn ngước lên hoặc ra xa.

Sự kỳ vĩ của nhà giàn DK1/14 - cụm Tư Chính 5Sự kỳ vĩ của nhà giàn DK1/14 - cụm Tư Chính 5

Bước chân trên cái tổ chim giữa biển cả bao la ấy cảm giác sợ độ cao, sợ rơi xuống biển xâm lấn khiến rất nhiều người trong đoàn khi lên nhà giàn rồi vẫn không dám cởi áo phao ra, trong đó có tôi - bởi thường cố với, cố đứng, cố nghiêng, cố nhoài người ra trong không gian có hạn để chụp hình và để ngắm nhìn những khung cảnh tuyệt đẹp, kiểu như nằm xuống nhìn thật gần phía dưới cây cầu bắc qua giữa hai nhà giàn xem có gì đặc biệt mà đứng vững được trước bão gió... Thế nhưng lên tới nhà giàn, đoàn cán bộ của các bộ, ngành, địa phương chúng tôi mới biết rằng mình đã rất may mắn.

Có nhiều câu chuyện xúc động được kể lại khiến người nghe cũng muốn rớt nước mắt. Mùa biển động, lên nhà giàn vô cùng khó khăn, leo lên được nhiều người vào tới đất liền vẫn ám ảnh cảm giác sợ hãi. Vì sóng to không thể từ ca nô chòng chành bước lên, mà hai tay nắm chặt vào một thang dây lơ lửng để chiến sĩ kéo thật nhanh, thật mạnh lên bến - là cách gọi quen thuộc, chứ giống như đầu một cây cầu nhỏ nhô ra biển rộng vài mét vuông. Có khi biển động dữ dội không thể lên nhà giàn. Người ở đất liền đi vạn dặm mới tới, người giữa biển khơi chờ bao tháng mới nhìn thấy hình bóng đất liền mà không được chạm vào nhau, được nhìn rõ mặt nhau. Chiến sĩ nhà giàn thả dây xuống biển nối với xuồng, với tàu để kéo hàng hóa lên. Sóng to, gió mạnh, hai bên phải nói chuyện, hát hò, bày tỏ tình cảm qua bộ đàm, qua loa công suất lớn. Chia tay, tàu hú còi chạy quanh nhà giàn thường ba vòng, rồi hú thêm hồi còi thật dài tạm biệt! Và cũng như những người con ưu tú đang làm nhiệm vụ giữa biển khơi, triệu người Việt Nam như một đều có niềm tin phần máu thịt vô cùng đẹp và giàu ý nghĩa ấy của dân tộc không thể nào bị mất đi.

Ngày 16-8-2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Theo thông tin của các cơ quan chức năng, ngày 13-8-2019, tàu khảo sát Hải Dương 08 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng cho biết Việt Nam đã trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam. Hiện nay, các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Trong vòng hơn 1 tháng qua, đây là lần thứ hai các tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Trước đó, ngày 19-7-2019, Bộ Ngoại giao cũng khẳng định tàu khảo sát Hải Dương 08 của Trung Quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam biển Đông.   

Trần Phương

  • Từ khóa
111419

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu