Thứ 2, 29/04/2024 00:44:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phóng sự - Ký sự 06:44, 11/06/2021 GMT+7

Giải mã điểm đen tại cầu 38 - Bài cuối

Quang Minh
Thứ 6, 11/06/2021 | 06:44:18 2,687 lượt xem

NGƯỜI CANH ĐÊM

BPO - “Giữa đêm khuya, tôi nghe rầm một cái, tỉnh ngủ ngay vì nghĩ chắc là tai nạn rồi. Tôi bật dậy, mắt nhấp nhem chạy ra. Chiếc xe môtô đè lên người. Chú ấy kêu “cô ơi cứu con”, rồi lịm đi. Tôi luýnh quýnh đụng tay vào cái pô xe nên nghe xèo xèo. Tôi kéo được chú ấy ra thì ông nhà tôi cũng ra tới, mở cái mũ cho chú ấy thở. Tôi dựng chú ấy ngồi cũng không được mà nằm xuống cũng không xong. Lúc ấy, tôi ngó thấy mắt lạc đi rồi. Lập tức, tôi gọi điện cho xe cấp cứu… Đến 6 giờ sáng, có người báo lại chú ấy bị gãy 3 xương sườn, nứt xương chậu, không biết có sống được không?” - bà Đỗ Thị Kim kể lại vụ tai nạn xảy ra lúc 3 giờ sáng 17-2-2021 (tức mồng 6 tết Tân Sửu).

Không thể bỏ cầu mà đi được

Năm 1993, khi QL14 được nắn tuyến và khởi công xây cầu 38 nối liền đôi bờ sông Lấp thì gia đình bà Đỗ Thị Kim (SN1962), ông Nguyễn Văn Tuân (SN1959) cũng vừa từ tỉnh Thanh Hóa vào thôn 5, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng định cư theo chương trình xây dựng vùng kinh tế mới. Ở đây xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nên 2 năm sau, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Phước thành lập chốt sơ cấp cứu nhân đạo số 2 tại chân cầu 38. Gia đình ông bà gắn bó với công việc cứu người gặp nạn từ đó. 

Vợ chồng bà Kim thường xuyên quét dọn đất, cát văng vãi trên đường phía đầu cầu 38 để tránh trượt cho các phương tiện lưu thông qua đây

Vừa trò chuyện vừa hướng mắt ra phía cầu như một thói quen cảnh giác, bà Kim kể: Ám ảnh nhất là vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 20 giờ 30 phút ngày 30-1-2016, 2 nam thanh niên đi xe máy chạy hướng Đồng Xoài - Bù Đăng, khi đang đổ dốc cầu 38 với tốc độ nhanh không ôm cua kịp nên đã lấn đường và tông trực diện vào xe tải đang lưu thông ngược chiều. Tai nạn làm 2 nam thanh niên văng khỏi xe, 1 người chết ngay tại chỗ, 1 bị thương nặng, lúc sau cũng tử vong. Hình ảnh đó tôi không sao quên được…

Gia đình ông Tuân, bà Kim là tấm gương người tốt, việc tốt hiếm có của xã. Nhiều trường hợp được cứu giúp muốn cảm ơn bằng hiện vật nhưng ông, bà đều từ chối. Nhiều người cảm kích tấm lòng nhân hậu đã nhận họ làm cha, mẹ nuôi, là ân nhân cứu mạng. Nhất là những vụ tai nạn không có người thân hoặc là người yếu thế, ông bà sẵn sàng giúp đỡ hết mình.

Ông Nguyễn Duy Nam, Phó chủ tịch UBND xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng

Tuyến QL14 ngày thường đã nhiều xe qua lại, trong các dịp lễ, tết, lượng xe càng nhiều hơn. Trường hợp tai nạn xảy ra chết người thì bắt buộc phải giữ nguyên hiện trường để cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân và xử lý vụ việc. Những trường hợp bị thương nhiều vô kể. Gần đây nhất vào 16 giờ ngày 19-5-2021, hai sinh viên Trần Thị Thu Uyên và Trần Thị Hồng Ngọc chở nhau hướng Đắk Lắk - thành phố Hồ Chí Minh. Vừa qua khỏi cầu thì bị té văng ra đường. Hai người cùng bị thương, trông rất thê thảm. Vì không gọi được xe, trong khi máu chảy nhiều nên vợ chồng bà Kim sơ cứu và ông Tuân chở 2 người lên Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng. Hậu quả, Uyên bị rách cằm, phải khâu 6 mũi, mặt và đầu gối bị trầy xước, còn Ngọc bị nứt xương tay trái và xây xát nhiều chỗ. “Vì đau quá, lại tối nên các cháu định thuê nhà nghỉ để sáng mai về nhưng tôi giữ ngủ tại nhà, có gì còn chăm sóc vết thương cho. Vậy là hôm sau (20-5), hai đứa đi, đến chiều gọi điện báo đã tới thành phố an toàn” - bà Kim kể. 

Xin để…  cứu người

Nếu như trước đây, mỗi lần xảy ra tai nạn, việc sơ cứu bối rối vì khó khăn, thiếu thốn đủ thứ thì nay đã trở nên linh hoạt hơn. Ông Tuân luôn chủ động tìm kiếm các vật dụng cần thiết để làm ra các thanh nẹp chân, nẹp tay, sẵn sàng khi có tai nạn xảy ra. Ông thật tình: “Việc hỗ trợ vật tư y tế của các cơ quan chức năng cho hoạt động sơ cứu tại đây rất hạn chế. Vì vậy, có dịp đi họp ở các cấp, ngành như hội chữ thập đỏ, hội tán trợ hay hội bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo… tôi luôn tranh thủ xin được gì thì xin để về có cái cứu người, nhưng cũng không được bao nhiêu. Do vậy, tôi phải thường xuyên mua bông, băng, dung dịch sát khuẩn và tự làm nẹp. Bởi người ta bị thương thì mình không thể khoanh tay đứng nhìn được”.

Các phương tiện lưu thông hướng Đồng Xoài - Bù Đăng, đoạn chuẩn bị xuống cầu 38, dốc cao, cua gấp dễ xảy ra tai nạn

Ông Tuân và bà Kim đều là cựu chiến binh. Bà Kim nhập ngũ năm 1980, tại Tiểu đoàn 36, Trung đoàn 6, Sư đoàn 384. Sau 3 tháng huấn luyện ở Quảng Trị, đơn vị bà vào Đường 9, Khe Sanh sang Lào chiến đấu. Bà được giao nhiệm vụ làm hậu cần, trong đó có cả công tác chăm sóc thương binh. Còn ông Tuân nhập ngũ năm 1979, tại Đại đội 18, Trung đoàn 14, Sư đoàn 313, Quân khu II. Ban đầu ông làm lính thông tin. Sau đó chiến tranh ác liệt, ông được đi học y tá 9 tháng về sơ cứu thương binh nên có nhiều kiến thức, kinh nghiệm.

Nhiều trường hợp tai nạn thương tâm quá, cả 2, 3 người cùng bị thương, máu ra nhiều. Tôi băng bó, sơ cứu cho họ mà cứ tưởng tượng là chiến tranh ngày xưa bị dính bom bi. Tôi luôn nghĩ họ như người thân nên bị nặng hay nhẹ tôi đều cứu giúp. Có lúc cũng nghĩ, hay mình chuyển đi ở chỗ khác cho yên. Nhưng nghĩ lại thì không thể bỏ cầu mà đi được… Gia đình tôi có hai ông bà, 5 đứa con và cả cháu ngoại, ai cũng biết sơ cứu hết.

Bà Đỗ Thị Kim, thôn 5, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng

Ông Tuân chia sẻ: “Nếu người bị tai nạn không may giập lá lách thì phần lớn là khó thở. Hoặc khi bị thương ở đầu, thì mình phải vừa làm vừa hỏi chuyện. Nếu họ choáng, muốn nôn ói và nói sảng nữa thì đó là chấn thương sọ não. Trường hợp như vậy thì phải gọi ngay xe cấp cứu. Nếu xe cấp cứu không đến kịp thì phải dừng bất cứ phương tiện nào di chuyển trên đường để nhờ họ chuyển bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời”. Bà Kim ví von: “Tôi giống như người canh đêm, vì rất ít ngủ. Hễ nghe tiếng động lạ là y rằng tai nạn. Mình lại phải chạy ra, những phản xạ ấy thành thói quen rồi”.

Không có chức vụ công tác, không giấy chứng nhận công lao, cũng không màng được người khác trả ơn, nhiều năm qua, gia đình bà Kim vẫn âm thầm làm việc nghĩa với tất cả tình thương và trách nhiệm khi người nào đó gặp nạn tại khu vực cầu 38. Theo bà, giúp người qua cơn hoạn nạn cũng chính là tạo phước đức cho chính bản thân, gia đình và toàn xã hội. Những nghĩa cử cao đẹp của gia đình ông bà đã góp phần lan tỏa những điều tử tế trong xã hội, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

  • Từ khóa
124742

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu