Chủ nhật, 28/04/2024 01:51:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phóng sự - Ký sự 05:00, 08/12/2021 GMT+7

Cầm cố đất, vay nặng lãi vùng DTTS - Bài 1

Xuân Túc
Thứ 4, 08/12/2021 | 05:00:12 1,907 lượt xem
BPO - Giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những chủ trương lớn, được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Bằng chứng là thời gian qua, cùng với các chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào DTTS của Chính phủ, Bình Phước đã có những chính sách riêng, thể hiện quyết tâm giúp bà con ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn một bộ phận đồng bào DTTS vì nhiều lý do đã phớt lờ cảnh báo của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để vay tiền lãi suất cao, cầm cố, sang nhượng đất ở và đất sản xuất. Dù trước đó, các ngành chức năng đã có nhiều giải pháp ngăn chặn nhưng tình trạng nêu trên vẫn tiếp diễn. Hệ quả là nhiều hộ đã bị mất đất, mất nhà, lâm vào tình cảnh đói nghèo, xa hơn là gây cản trở nỗ lực giảm nghèo bền vững của tỉnh.

BÌNH CŨ, RƯỢU… CŨ

Tình trạng vay lãi suất cao, cầm cố, sang nhượng đất trong vùng đồng bào DTTS là chuyện không hề mới, bởi trước đó đã được phản ánh rất nhiều lần. Nhưng vì nhu cầu chi tiêu và đầu tư sản xuất, với suy nghĩ đơn giản và ít biết tính toán lo xa nên nhiều hộ DTTS vẫn cầm cố, sang nhượng đất ở và đất sản xuất. Hệ lụy dẫn đến nhiều hộ đã bị mất đất, siết nhà và vô tình tự đưa mình vào cái gông của sự đói nghèo. Thế nhưng để giải “bài toán” này thì không dễ.

Cuối đời trắng tay

Một ngày cuối năm, chúng tôi có mặt tại thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập. Dù đang là thời điểm thu hoạch cà phê và chăm sóc vụ điều mới, nhưng thay vì lên rẫy thì không ít người dân ở nhà bóc vỏ lụa hạt điều để kiếm thêm thu nhập. Tìm hiểu chúng tôi mới biết, họ đã không còn đất sản xuất chỉ vì trót dại đi vay tiền lãi suất cao, cầm cố, sang nhượng đất ở và đất sản xuất.

Đoàn công tác của Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát tình trạng cầm cố, sang nhượng đất tại hộ anh Điểu Dử ở thôn Bù La, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập

Bên mớ hạt điều, bà Thị Ché (thôn Bù Rên) lại nhớ đến 11 ha điều của gia đình đã bị sang nhượng lại cho người khác. Cũng bởi bà vay nợ quá nhiều. Thiếu tiền chợ, thuốc men, tiền phân bón, chi tiêu trong gia đình là bà đi vay, thậm chí ủy quyền nhờ người khác đi vay hộ. Phần thì lãi mẹ đẻ lãi con, phần bị kẻ xấu lợi dụng nên gia đình bà giờ không còn đất sản xuất. Tài sản duy nhất của gia đình bà chỉ là căn nhà đang ở nhưng cũng đã bị cầm cố 300 triệu đồng trong ngân hàng.

Bà Thị Ché cho biết: “Vợ chồng tôi năm nay gần 60 tuổi, sức yếu không làm được việc nặng nhọc, gia đình lại không còn rẫy nữa. Hằng ngày, tôi đi lấy hạt điều về bóc vỏ lụa để kiếm thêm thu nhập, trung bình mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 20 ngàn đồng để mua gạo, mắm, muối”.

Cách đó vài bước, với khoản nợ 150 triệu đồng mà ngay cả bản thân bà Thị Chơi (thôn Bù Rên) cũng không nhớ rõ là vay từ năm nào, lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền giờ đã lên 220 triệu đồng. Không việc làm, không vườn rẫy, công việc thiếu ổn định nên bà không đủ khả năng để trả nợ. Vừa qua, gia đình bà đành phải ngậm ngùi gán ngôi nhà cùng mảnh vườn đang ở với diện tích gần 1.500m2 để trả nợ.

Bà Thị Chơi cùng chồng đã phải ngậm ngùi gán căn nhà và mảnh vườn 1.500m2 vì trót vay 150 triệu đồng từ bên ngoài

Bà Thị Chơi cho biết: “Mấy năm trước, chúng tôi vay 150 triệu đồng để đầu tư trồng tiêu. Tuy nhiên, do không biết cách chăm sóc nên tiêu chưa kịp thu hoạch thì chết. Năm nay, 2 vợ chồng đã gần 60 tuổi, sức khỏe không đảm bảo để làm công việc nặng nhọc nên không có khả năng trả nợ. Vừa qua bị siết nhà, chúng tôi đang phải sống nhờ trong ngôi nhà tạm của người em trai”.

Vì đâu nên nỗi

Năm 2018, sau khi được Nhà nước hỗ trợ xây nhà tình thương, anh Điểu Dử (thôn Bù La, xã Bù Gia Mập) đã vay thêm 20 triệu đồng từ bên ngoài để sửa sang nhà cho rộng rãi hơn. Sau hơn 2 năm, nhờ giữ lại được 5 sào điều đang cho thu hoạch, cộng với chịu khó lao động, đến nay anh đã trả hết nợ.


Vì vay nặng lãi, hộ bà Thị Ché đã phải sang nhượng hết 11 ha đất rẫy, nay làm thuê, làm mướn và bóc vỏ lụa hạt điều để có thêm thu nhập

Không may mắn như anh Dử, bà Thị Ché (thôn Bù Rên) đã phải sang nhượng toàn bộ 11 ha rẫy của gia đình để trả nợ. Bà Ché cho biết: Trước đây, bà đã ủy quyền cho một người khác đi vay nợ ngân hàng để đầu tư trồng tiêu và chi tiêu hằng ngày. Do không biết tính toán làm ăn nên để có tiền trả lãi, bà đã phải vay mượn thêm từ bên ngoài. Lãi mẹ đẻ lãi con, nợ chồng nợ nên gia đình bà đành phải sang nhượng lại rẫy để gán nợ.

Ông Điểu Boi, Trưởng thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập cho biết: Thôn có 245 hộ, với 1.165 người, trong đó có 170 hộ DTTS. Cuộc sống của bà con từ trước đến nay sống chủ yếu dựa vào vườn, rẫy. Tuy nhiên, nhiều hộ có thói quen bán điều non để lấy tiền một lần. Do trình độ còn hạn chế, không biết tính toán làm ăn, bà con chỉ dùng tiền để sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân. Sau khi hết tiền chuyển sang đi vay nặng lãi, cầm cố đất, đến khi không có khả năng thanh toán buộc phải sang nhượng đất để gán nợ.

“Đồng bào ở đây hiểu không đúng từ sang nhượng, họ nghĩ sang nhượng chỉ là cho thuê, sau đó người ta sẽ trả lại. Rốt cục, sang nhượng ở đây là bán luôn cho người ta. Sau khi biết mất đất, mất rẫy bà con mới báo lên chính quyền nhờ can thiệp. Tuy nhiên, mọi giao dịch đều thỏa thuận miệng, không có một giấy tờ nào để làm chứng nên rất khó xử lý” - ông Điểu Boi, Trưởng thôn Bù Rên cho biết thêm.

Huyện Bù Gia Mập có 20.482 hộ, 80.357 người, trong đó có khoảng 36% dân số là đồng bào DTTS. Hiện nay, toàn huyện vẫn còn 1.161 hộ nghèo và 1.226 hộ cận nghèo. Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện có 1.721 hộ DTTS bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố, sang nhượng đất với diện tích trên 1.772 ha. Riêng trong năm 2021, huyện vẫn còn 44 hộ bán điều non; 2 hộ cầm cố, thế chấp đất sản xuất; 34 hộ sang nhượng đất sản xuất, 9 hộ sang nhượng đất ở; 2 hộ vay tiền lãi suất cao.

Dân trí thấp, hiểu biết hạn chế được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cầm cố, sang nhượng đất ở và đất sản xuất. Dù trước đó địa phương đã cảnh báo rất nhiều vì đất đai là tư liệu sản xuất chính, giữ đất là giữ lại tư liệu sản xuất, giữ lại kế sinh nhai cho đồng bào. Thời gian gần đây, tình trạng bán điều non, sang nhượng, cầm cố đất, vay tiền lãi suất cao có giảm nhưng trong năm 2021, toàn xã Bù Gia Mập vẫn còn 14 hộ sang nhượng, bán đất với diện tích 10,9 ha, số tiền 3,1 tỷ đồng, giảm 25 hộ so với năm 2020; 22 hộ bán điều non với diện tích 29 ha, số tiền trên 2,4 tỷ đồng. Số hộ cầm cố, sang nhượng đất, vay tiền lãi suất cao dù không phát sinh nhưng tàn dư từ những năm trước vẫn ở mức cao lần lượt là 142 hộ và 94 hộ.

Theo ông Điểu Thuận, Phó chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do giá nông sản xuống thấp, một số cây trồng mất mùa nên người dân không có tiền để trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, do một số phong tục, tập quán lạc hậu lâu đời của đồng bào liên quan đến ma chay, cưới hỏi gây tốn kém, lãng phí tiền của; một số hộ chưa có kế hoạch chi tiêu hợp lý nên khi gặp rủi ro, đau ốm phải tìm đến các đối tượng cho vay nặng lãi. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con, các đối tượng này dụ dỗ cầm cố vườn, rẫy, cho vay tiền với cách tính lãi cao, khi không có tiền trả thì siết đất, siết nhà. Các giao dịch mua bán chủ yếu diễn ra bí mật nên chính quyền rất khó nắm bắt thông tin để can thiệp.

  • Từ khóa
133613

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu