Thứ 7, 27/04/2024 13:13:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Theo gương Bác 10:17, 15/08/2023 GMT+7

Xe biển xanh - xe biển trắng

Thứ 3, 15/08/2023 | 10:17:20 2,358 lượt xem

Ma Văn Kháng

1. Cách đây mấy chục năm, xe ôtô tư chưa có. Đường phố chỉ rặt xe công. Xe công có hai loại. Xe biển đỏ là xe của quân đội. Xe biển xanh có nền xanh và chữ trắng là xe chuyên dùng cho cán bộ làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước. Lúc ấy luật thật nghiêm: Chỉ những người làm việc trong cơ quan nhà nước mới được cấp phép dùng loại biển xe này. Nên mới có chuyện, dù đi cùng đường, vợ con cán bộ cũng không bao giờ dám ngồi xe công của chồng.

Từ ngày chuyển đổi cơ chế, xe tư, xe biển trắng chữ đen xuất hiện ngày càng nhiều. Giờ trên đường vận hành chủ yếu là loại này. Xe biển xanh hóa ra thưa thớt, hiếm hoi. Hiếm hoi đâm ra có giá trị. Nó là dấu hiệu của một phẩm hàm, danh giá.

Thế cho nên có ông phó chủ tịch tỉnh nọ dùng xe riêng mà gắn biển xanh, kết quả bị dân và dư luận phát hiện, coi như một hành vi khuất tất.

Tất nhiên, chuyện ông phó chủ tịch nọ không chỉ là cá biệt. Báo chí đã không ít lần nói đến việc này. Dẫn chứng thì nhiều. Không tin thì cứ đến những ngày lễ hội chùa chiền, đền miếu mà xem. Thiếu gì cảnh xe biển xanh chở các vị chức sắc cùng gia đình vợ con nườm nượp chạy trên đường. Chuyện chướng tai gai mắt vậy nhiều khi quá quen, nhàm đến mức chả còn ai buồn nói đến nữa.

2. Câu chuyện làm việc riêng mà đi xe công biểu hiện những thói xấu gì? Trước hết, sự việc dùng xe biển xanh nêu trên còn có thể được tham chiếu dưới góc độ tính sĩ diện của con người. Chữ dân gian thường gọi hiện tượng này là “cáo mượn oai hùm”, “sáo mượn lông công”, “mượn màu son phấn đánh lừa con đen”, là hành động đánh tráo các giá trị, làm sai lạc chuẩn mực xã hội, dân tình thường gọi một cách hài hước là “giải quyết khâu oai”.

Thực tình thì thể hiện giá trị bản thân mình là nhu cầu tự nhiên có thật của con người. Nghiên cứu về vấn đề này, ông Abraham Maslow, một nhà tâm lý học nhân văn nổi tiếng thế giới cho rằng, được thể hiện mình là khát khao của mỗi cá thể. Nhưng vấn đề đặt ra là phải thể hiện mình một cách chân thật, chứ không được sai ngoa, không tự tô vẽ đánh bóng mình, tự đeo mặt nạ vào mặt mình một cách thiếu tự trọng, lố lăng như nêu trên.

3. Sự kiện lạm dụng xe công nêu trên khiến mọi người nhớ đến chuyện sau. Tháng 10-1945, Cách mạng tháng Tám mới thành công, nhà thơ Tố Hữu, Phó Bí thư Xứ ủy Trung kỳ ra Hà Nội họp. Gặp Hồ Chủ tịch, Người hỏi: Chú ra bằng gì? Tố Hữu đáp, dạ thưa, bằng ôtô của mình. Người hỏi tiếp: Của mình là của ai? Tố Hữu đáp, dạ của cơ quan ạ. Người cười, nói: Nhớ nhé, ôtô của cơ quan, chứ không phải của các quan đâu đấy!

Lời dạy của Hồ Chủ tịch thật chí lý mà cách chơi chữ cũng thật tài tình, hóm hỉnh.

Còn bây giờ nghe những chuyện như Chủ tịch Tôn Đức Thắng vào những năm cuối đời thường nhắc nhở con cháu trong nhà hãy chuẩn bị nơi ở khác đi, một khi ông không còn ở lại với cõi đời, để trả nhà cho Nhà nước; đồng chí Nguyễn Lương Bằng hồi còn hoạt động bí mật được Đảng giao cho giữ quỹ, về nhà bán lúa lấy tiền đi công tác, chứ không động đến một đồng, một cắc của tổ chức. Sau này khi là Phó Chủ tịch nước, thời chiến tranh, ông đi thăm vợ con ở nơi sơ tán, đều xếp hàng mua vé ôtô như một người dân thường chứ không dùng xe công, cứ tưởng đó là truyền kỳ cổ tích. Những truyền kỳ cổ tích xanh rờn!

 Trong khi đó, những chuyện sau đây bây giờ đâu còn quá hiếm hoi. Một vị chủ tịch thành phố về hưu đã lâu rồi mà vẫn không trả lại ôtô được cấp cho Nhà nước. Một quan chức cấp vụ nghỉ hưu rồi vẫn ở lì ngang nhiên không rời khỏi nhà công vụ. Vụ đại án “Chuyến bay giải cứu” ở Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, với hàng chục bị can, trong đó có cả bộ trưởng, chủ tịch thành phố, lợi dụng quyền chức, tận dụng thời cơ “đục nước béo cò”, thất đức, thất nhân tâm, thu lợi hàng chục tỷ, hàng trăm ngàn đô la.

Thế mới biết tầm nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ những ngày mới lập quốc, trong thư gửi “Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” đăng trên Báo Cứu quốc số ra ngày 17-10-1945, nghĩa là cách đây hơn 70 năm rồi, Người đã viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”1.

(1)Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.670.

  • Từ khóa
175215

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu