Thứ 2, 06/05/2024 03:38:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:50, 24/04/2024 GMT+7

Hồ tiêu tăng giá - cẩn trọng khi tái canh

Thùy Linh
Thứ 4, 24/04/2024 | 15:50:21 1,582 lượt xem
BPO - Sau nhiều năm chạm “đáy”, nông dân trồng hồ tiêu tỉnh Bình Phước đang rất phấn khởi vì giá hạt tiêu tăng cao. Vụ mùa năm 2024, giá hạt tiêu khô từ 98-110 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí vật tư, phân bón, nhân công, người trồng vẫn có lãi khá cao. Trên cùng một đơn vị diện tích đất, so với cây điều, cao su thì cây hồ tiêu vẫn cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Vì vậy, nhiều hộ nông dân đang đầu tư chăm sóc vườn tiêu trở lại.

Điệp khúc “được giá, mất mùa”

Trong những ngày này, vườn tiêu của hộ ông Tạ Cư ở ấp 7, xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh luôn có 4 nhân công thu hoạch. Do trồng giống tiêu sẻ nên vườn nhà ông cho thu hoạch muộn hơn so với các vườn khác. Hiện ông Cư đã thu được 4,5 tấn hạt tiêu khô. Dự kiến hết vụ, vườn tiêu sẽ cho thu khoảng 5,5 tấn trên diện tích 2,2 ha. Giá bán cho thương lái tại vườn là 105 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 380 triệu đồng. Ông Cư phấn khởi: “Năm ngoái, giá tiêu chỉ 60 ngàn đồng/kg, thu hoạch vừa đủ bù chi phí chăm sóc. Năm nay, giá tiêu tăng gần gấp đôi. Hy vọng thời gian tới, giá tiêu giữ ổn định hoặc tăng thì người nông dân sẽ khá hơn”.

Vườn tiêu của gia đình ông Tạ Cư (bìa phải) ở ấp 7, xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh đang vào vụ thu hoạch

Những năm trước, giá tiêu giảm sâu, nhiều nông dân bỏ vườn không chăm sóc hoặc chuyển đổi cây trồng. Trong khi đó, ông Cư vẫn quyết tâm gắn bó với cây tiêu. Nhờ có đất rộng, ông Cư lấy thu nhập từ cây cao su, cà phê, chăn nuôi dê để duy trì, chăm sóc vườn tiêu. Hiện giá hạt tiêu tăng nhưng năng suất giảm, ông Cư tiếc nuối vì đã không đầu tư, chăm sóc vườn đúng mức trong giai đoạn trước.

Nhiều nông hộ trồng tiêu ở xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh thu về hàng trăm triệu đồng nhờ giá tiêu năm 2024 tăng cao

Thời điểm giá hạt tiêu từ 190-220 ngàn đồng/kg, gia đình ông Nguyễn Đăng Hạnh ở ấp 10, xã Lộc Thuận giàu lên nhanh chóng nhờ trồng 5.000 nọc tiêu. Khi thu hoạch được 2 vụ, ông Hạnh tính toán mở rộng thêm diện tích vườn. Tuy nhiên, mọi dự định của ông đã không thành. Năm 2019, giá hồ tiêu lao dốc còn dưới 40 ngàn đồng/kg, thay vì mở rộng diện tích thì ông chỉ chăm sóc cầm chừng và chuyển một phần diện tích sang trồng sầu riêng. 

Trải qua thời gian vừa “bão giá” vừa “bão bệnh” nên diện tích vườn tiêu của gia đình ông chỉ còn hơn một nửa, năng suất không còn đạt như lúc mới trồng. Năm nay, sau khi thu hoạch xong, ông Hạnh chuẩn bị nọc, đến mùa mưa sẽ trồng tiêu. Ông Hạnh cho biết: “Tôi tính phá bỏ một số cây tiêu già cỗi, năng suất thấp để trồng thêm 1.500 nọc. Hiện nay giá tiêu hơn 100 ngàn đồng/kg thì nông dân có lãi khá cao”.

Năm 2017-2019, diện tích trồng hồ tiêu tại xã Lộc Thuận là 100 ha. Những năm giá tiêu giảm, nhiều gia đình bỏ vườn không chăm sóc, hoặc phá bỏ diện tích tiêu già cỗi chuyển sang cây trồng khác. Hiện toàn xã chỉ còn khoảng 70 ha tiêu, năng suất bình quân từ 1-2 tấn/ha. Do giá tăng nên nhiều hộ trước đây phá bỏ cây tiêu, đang có xu hướng tái canh trở lại.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh
PHẠM VĂN MINH


Hướng đến phát triển bền vững 

Xã Nghĩa Bình có 134 ha hồ tiêu, chiếm diện tích lớn nhất huyện Bù Đăng. Nhờ liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, địa phương này đã duy trì diện tích cây tiêu ổn định trong nhiều năm liền. Xã đã thành lập 3 tổ hợp tác tiêu hữu cơ, với 111 thành viên tham gia.

Nông dân tỉnh Bình Phước thu hoạch vụ tiêu năm 2024

Năm 2017, gia đình bà Lưu Thị Tình ở thôn Bình Minh, xã Nghĩa Bình tham gia dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” do ngành nông nghiệp phối hợp với Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam tại Bình Phước thực hiện ở huyện Bù Đăng. Hiện gia đình bà Tình canh tác 2 ha tiêu, trồng từ năm 2014. Thời gian qua, nhiều vườn tiêu trên địa bàn tỉnh bị chết vì dịch bệnh, thì vườn của bà Tình vẫn luôn xanh tốt, cành lá sum sê nhờ canh tác theo quy trình hữu cơ. Vụ mùa năm 2024, gia đình bà thu hoạch 8 tấn, năng suất bình quân 4 tấn/ha. Toàn bộ sản phẩm tiêu hữu cơ được Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam thu mua với giá 110 ngàn đồng/kg, cao hơn giá thị trường 5.000 đồng/kg.

Bà Tình cho biết: “Nếu trước đây hộ nào cũng sử dụng phân bón, thuốc hóa học trên vườn tiêu thì nay tham gia dự án, người dân đã thay đổi nhận thức về canh tác. Không sử dụng thuốc diệt cỏ trong vườn mà chỉ dùng máy phát và để hoai mục tại chỗ làm phân. Đất trong vườn tiêu nhờ vậy luôn đủ độ ẩm, tơi xốp, các hệ sinh vật có lợi phát triển làm cho không khí khu vườn tươi mát. Nhờ bón phân vi sinh nên cây tiêu phát triển khỏe mạnh, ít bị sâu bệnh và cho năng suất cao”. Từ câu chuyện thực tế của gia đình bà Tình cho thấy, việc liên kết chuỗi sản xuất đã nâng tầm giá trị sản phẩm, góp phần phát triển bền vững cây hồ tiêu.

Tỉnh Bình Phước có hơn 12.900 ha cây hồ tiêu, trong đó diện tích đang cho thu hoạch hơn 12.200 ha. So với năm 2019, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh giảm hơn 4.200 ha. Giá hạt tiêu tăng, nhiều nông hộ có tâm lý đầu tư chăm sóc vườn trở lại hoặc trồng mới thêm diện tích. Thực tế, bài học kinh nghiệm đối với việc phát triển cao su ồ ạt giai đoạn 2008-2012, hồ tiêu giai đoạn 2010-2017, khiến nhiều nông dân rơi vào vòng luẩn quẩn “trồng chặt, chặt trồng” đến nay chưa khắc phục được. 

Vì vậy, để tránh trồng ồ ạt, dẫn đến sản phẩm dư thừa, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước đang tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về thị trường hồ tiêu và những rủi ro tiềm ẩn. Song song đó, địa phương cũng cần có quy hoạch rõ ràng về diện tích trồng, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phòng ngừa sâu bệnh, gắn với thị trường đầu ra ổn định, bền vững cho cây hồ tiêu.

  • Từ khóa
194955

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu