Thứ 4, 08/05/2024 21:11:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tình yêu 05:33, 14/08/2021 GMT+7

Sức sống của một điều luật

Lg: N.V
Thứ 7, 14/08/2021 | 05:33:00 728 lượt xem
BPO - Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam có lịch sử hình thành, phát triển khá sớm và được hoàn thiện qua từng thời kỳ để phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. Từ năm 1959 đến nay, Quốc hội các khóa I, VII, X và XIII đã ban hành 4 đạo luật về hôn nhân và gia đình. Với tính chất là cơ sở, công cụ để điều chỉnh quan hệ hôn nhân nên các luật hôn nhân và gia đình của từng thời kỳ đều được củng cố, xây dựng và phát triển nhằm phù hợp với thực tế trong những giai đoạn lịch sử của đất nước.

Theo đó, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I đã thông qua Luật Hôn nhân và gia đình 1959. Đạo luật này là hệ thống các nguyên tắc được cụ thể hóa trong 6 chương, 35 điều quy định cơ bản về các vấn đề trong quan hệ hôn nhân. Tiếp đó, Luật Hôn nhân và gia đình được ban hành ngày 29-12-1986 đã thay thế Luật Hôn nhân và gia đình 1959. Luật này gồm 10 chương, 57 điều. Ngày 9-6-2000, Quốc hội khóa X đã ban hành Luật Hôn nhân và gia đình 2000, thay thế cho Luật Hôn nhân và gia đình 1986 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2001. Nhiệm vụ được xác định trong luật này là nhằm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. Sau một quá trình áp dụng, Luật Hôn nhân và gia đình 2000 xuất hiện một số hạn chế và nhiều quy định không còn phù hợp với thực tế xã hội. Vì vậy, ngày 19-6-2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và luật này thay thế cho tất cả các luật hôn nhân và gia đình trước đó.

Mặc dù từ năm 1959 đến nay, nước ta đã có 4 đạo luật về hôn nhân và gia đình, nhưng có một điều luật mà cả 4 đạo luật nêu trên đều có nội dung cũng như đối tượng và phạm vi điều chỉnh không hề thay đổi. Cụ thể, tại Điều 27 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, quy định như sau: Trong trường hợp người vợ có thai, chồng chỉ có thể xin ly hôn sau khi vợ đã sinh con được 1 năm. Điều hạn chế này không áp dụng đối với việc xin ly hôn của người vợ. Tiếp đó, ở Điều 41 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986, có nêu: Trong trường hợp vợ có thai, chồng chỉ có thể xin ly hôn sau khi vợ đã sinh con được 1 năm. Điều hạn chế này không áp dụng đối với việc xin ly hôn của người vợ. Đến Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, tại Điều 85 về quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn có quy định: Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn. Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn. Và tại khoản 3 Điều 51 về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định: Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Tóm lại, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án. Đồng thời, quyền yêu cầu ly hôn là quyền nhân thân gắn liền với vợ, chồng và được pháp luật ghi nhận nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai. Tuy nhiên không phải bất cứ trường hợp nào người chồng cũng được quyền yêu cầu ly hôn. Người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Theo đó, quy định này chỉ hạn chế quyền ly hôn của người chồng. Có nghĩa là nếu người vợ làm đơn xin ly hôn, mặc dù đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, thì tòa án vẫn thụ lý, giải quyết như những trường hợp bình thường khác. Và với quy định nêu trên, ngay cả trong trường hợp vợ ngoại tình mang thai, thai nhi trong bụng không phải là của người chồng hoặc người vợ đang mang thai nhưng có hành vi bạo lực gia đình, thì người chồng cũng không được ly hôn vợ tại thời điểm này, vì người chồng đang bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn, nói cách khác là không có quyền yêu cầu ly hôn vào lúc này.

Như vậy, câu chữ trong 4 điều của 4 đạo luật về hôn nhân và gia đình nêu trên tuy có khác nhau nhưng nội dung cũng như đối tượng và phạm vi điều chỉnh, áp dụng đều giống nhau ở chỗ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người phụ nữ khi mang thai hoặc khi đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Quy định này khẳng định việc thực hiện các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình ở Việt Nam là: Vợ, chồng bình đẳng; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau. Đồng thời, việc quy định hạn chế quyền yêu cầu xin ly hôn của người chồng là nhằm giảm sự tác động xấu đến tinh thần của người vợ đang trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ, góp phần phòng tránh phần nào các ảnh hưởng, rủi ro có thể xảy ra.                        

  • Từ khóa
128280

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu