Thứ 5, 09/05/2024 05:28:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phóng sự - Ký sự 10:28, 25/12/2020 GMT+7

Ngăn chặn khai thác tận diệt thủy sản trên hồ Phước Hòa

Quang Minh
Thứ 6, 25/12/2020 | 10:28:07 2,439 lượt xem
BPO - Hồ thủy lợi Phước Hòa nằm trên địa bàn 2 tỉnh Bình Phước và Bình Dương. Ngoài cung cấp nước phục vụ dân sinh và hoạt động sản xuất thì hằng năm, hồ còn cung cấp nguồn lợi thủy sản dồi dào cho người dân sống quanh khu vực. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, việc khai thác và đánh bắt thủy sản trong lòng hồ đang diễn ra phức tạp, nhiều trường hợp đánh bắt bằng xung điện mang tính hủy diệt, ảnh hưởng môi trường sinh thái.

Cạn kiệt nguồn lợi thủy sản

Xã Nha Bích, huyện Chơn Thành có khoảng 2.000 ha mặt nước nằm trong lòng hồ thủy lợi Phước Hòa. Toàn xã có khoảng 400 hộ sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản. Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại đây, UBND xã phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh thành lập Tổ nghề cá cộng đồng với 50 hộ thành viên chủ yếu tại ấp 6. Ông Đinh Văn Nhung, Tổ trưởng cho biết, ấp 6 giống như một ốc đảo bởi xung quanh là lòng hồ. Ngoài những hộ có đất sản xuất thì phần lớn bà con sống bằng nghề đánh bắt cá, tôm. Cách đây vài năm, nguồn lợi thủy sản dồi dào, bình quân mỗi ngày, mỗi hộ đánh được từ 10-50kg, chủ yếu các loài cá nước ngọt truyền thống, cuộc sống cũng ổn định. Tuy nhiên thời gian gần đây, một số đối tượng ở các địa bàn lân cận tới đánh bắt bằng xung điện thường vào ban đêm. Bình ắc-quy được kích cường độ dòng điện lên tới hàng chục ngàn ampe, có thể đánh chết hàng loạt cá lớn, nhỏ trong phạm vi rộng làm nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt. Đặc biệt, họ có kích điện và các công cụ hỗ trợ nên thái độ, hành vi manh động, sẵn sàng chống trả khi bị nhắc nhở hoặc xử lý nên gây bức xúc trong dân.

Trung tá Nguyễn Xuân Nhiệm, Trưởng công an xã Nha Bích cùng đoàn công tác của xã tuyên truyền người dân đánh bắt thủy sản đúng quy định pháp luật tại hồ Phước Hòa

Từ khi ở Campuchia về nước, anh Nguyễn Văn Thơm ở ấp 6, xã An Linh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương (địa bàn giáp ranh ấp 6, xã Nha Bích), không có nghề nghiệp nào khác mà chỉ bám lòng hồ Phước Hòa sinh sống bằng nghề đánh bắt cá, tôm. Anh Thơm cho biết: “Tôi có 4 tay lưới mắt lớn, kích cỡ 4cm, chủ yếu đánh bắt cá to. Nếu như trước đây, lượng cá hằng ngày đánh được 10 phần thì nay chỉ còn 2-3 phần. Đặc biệt, khi đối tượng đánh bằng xung điện thì cả cá lớn nhỏ đều chết, nếu con nào sống sót thì cũng thành tật không thể sinh sản được. Xã An Linh và An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương cũng có hàng chục hộ từ biển Hồ Campuchia về mưu sinh trên lòng hồ này, do nguồn cá, tôm cạn kiệt nên bà con cũng đã lên bờ đi làm thuê kiếm sống”.

Ngày 2-1-1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Chỉ thị nêu rõ: “Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản ở tất cả các vùng nước”. Theo quy định tại Điều 15, Nghị định số 103/2013/NĐ-CP, ngày 12-9-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản thì các hành vi vi phạm về sử dụng điện để khai thác thủy sản có thể bị phạt đến 2 triệu đồng, ngoài ra còn bị tịch thu công cụ kích điện.


Tăng cường truy quét, xử lý

Trước thực trạng nêu trên, UBND xã Nha Bích đã thành lập tổ phòng chống tội phạm tại ấp 6, đồng thời kiện toàn lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản của xã gồm Công an, Xã đội, Hội Nông dân xã và thành viên tổ nghề cá do Ban công an xã làm thường trực. Lực lượng này thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các hành vi dùng xung điện đánh bắt; đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở hoặc có biện pháp xử lý phù hợp đối với các hộ có hành vi đăng vây, quây chặn, dùng mắt lưới dày, lưới bát quái để tận thu cả các loài cá nhỏ.

Trung tá Nguyễn Xuân Nhiệm, Trưởng công an xã Nha Bích cho biết: “Chúng tôi xây dựng kế hoạch hằng ngày để cắt cử lực lượng tuần tra. Tuy nhiên, khó khăn của lực lượng là chỉ có 1 xuồng đuôi tôm công suất nhỏ của tổ nghề cá, khi đi phải mượn xuồng của dân, trong khi các đối tượng dùng xuồng công suất lớn và đánh bắt vào ban đêm nên khó phát hiện, xử lý. Một số trường hợp người dân biết, phát hiện đối tượng vi phạm nhưng không dám báo lực lượng chức năng vì sợ bị trả thù. Căn cứ vào các nghị định của Chính phủ và văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện về công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, chúng tôi đang tham mưu lãnh đạo xã xây dựng kế hoạch phối hợp các lực lượng tạo sức mạnh tổng hợp để giải quyết những khó khăn này”.

Diện tích mặt nước hồ thủy lợi Phước Hòa rất lớn. Công tác quản lý và bảo vệ thủy sản trong lòng hồ thời gian qua tại xã Nha Bích tuy đã cố gắng song còn gặp nhiều khó khăn. Bởi lòng hồ giáp ranh nhiều địa bàn thuộc 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước, nếu chỉ một mình lực lượng của xã Nha Bích thực hiện việc này thì không giải quyết được vấn đề. Do vậy, rất cần sự phối hợp của các đơn vị lân cận trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, góp phần tạo sinh kế cho người dân, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Ông Võ Quốc Hân, Chủ tịch UBND xã Nha Bích, huyện Chơn Thành
  • Từ khóa
118246

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu