Thứ 2, 20/05/2024 05:40:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:02, 10/06/2016 GMT+7

Hậu quả từ đánh bắt tận diệt thủy sản

Thứ 6, 10/06/2016 | 15:02:00 1,452 lượt xem
BP - Trên địa bàn tỉnh Bình Phước có rất nhiều sông, suối, đầm, hồ... Đây là nơi cung cấp nguồn thủy sản phong phú cho người dân. Tuy nhiên, tình trạng lén lút sử dụng chất nổ, hóa chất, kích điện đánh bắt đã làm nguồn thủy sản dần cạn kiệt. Nếu tình trạng này kéo dài và không có biện pháp xử lý, nguồn thủy sản sẽ bị tận diệt, dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái.

CÔNG KHAI HOẠT ĐỘNG

Cứ đến mùa khô, khi các đầm, sông, hồ nước cạn dần cũng là lúc những người đánh bắt cá bằng xung điện (rà cá) hoạt động mạnh. Tôi theo anh Lê Thanh Tuấn ở xã Thuận Lợi (Đồng Phú) có hơn 10 năm theo nghề trong một buổi đi rà cá để tìm hiểu về nghề này. Anh Tuấn cho biết: Mùa mưa, nước lớn rà cá khó, phải đợi đến mùa khô nước rút mới hành nghề kiếm sống.

Xung điện - một hình thức đánh bắt thủy sản tận diệtXung điện - một hình thức đánh bắt thủy sản tận diệt

Hiện nay, việc người dân dùng kích điện để đánh bắt cá diễn ra khá phổ biến. Giá một bộ kích điện từ 2,5-5 triệu đồng, tùy công suất. Loại kích này dùng bình ắc-quy từ 12-24V và chế thêm bộ kích điện để tăng dòng điện có công suất đến 400W. Khi trúng luồng điện, các loài sinh vật sống trong nước như lươn, ếch và cá có trọng lượng vài kilôgam trở lên cũng phải nỗi lên. Nhiều người còn sắm bộ kích trị giá 10 triệu đồng, loại có phạm vi sát thương từ 6-8m2.

Anh Tuấn cho biết: “Khi cắm hai dòng điện xuống nước, những loài thủy sinh có nhiều máu chết trước. Những loài cá sống ở tầng đáy, khi dính điện rất khó phát hiện, vì vậy người rà cá phải tinh mắt quan sát. Riêng tôi chỉ cần nhìn “tăm” trên mặt nước là biết cá lớn hay nhỏ. Làm nghề này cũng như đánh cược, có hôm đi cả ngày chỉ đủ tiền xăng xe, có ngày lại kiếm được vài trăm ngàn đồng”.

Ông Nguyễn Văn Mãn ở ấp Tân Phú, xã Bù Nho (Phú Riềng) cho hay: “Gần nhà tôi có một hồ tự nhiên, mấy năm trước cá, tôm rất nhiều. Nay nhiều người mang kích điện đến đánh và chỉ lấy cá to, cá nhỏ trúng điện chết nổi trên mặt nước, số khác sống sót thì cũng còi cọc, không sinh sản được. Do đó, nguồn thủy sản tại hồ nay đã gần cạn kiệt”.

CHẾ TÀI CHƯA ĐỦ MẠNH

Bộ kích điện được cấu tạo gồm: một bình ắc-quy khoảng 12-14V, con sò điện tử, hai thanh tre khô làm cần vợt hoặc hai thanh lao nối hai cực điện âm dương. Ngay cả người đi kích, nếu sảy chân, trượt tay cũng dễ dàng bị giật tại chỗ, có thể dẫn tới tử vong.

Theo Điều 15, Nghị định số 103 ngày 12-9-2013 của Chính phủ, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản; phạt từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển công cụ kích điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác.

Khi được hỏi việc đánh bắt cá bằng xung điện có bị ai thu giữ không, anh Nguyễn Văn Hùng (người đánh bắt cá cùng anh Tuấn) nói: “Có khi vác dụng cụ đi giữa đường cả ngày không ai hỏi nhưng có hôm vừa vác máy ra khỏi nhà đã bị công an xã tịch thu luôn đồ nghề”. Nhiều trường hợp bị chính quyền bắt, tịch thu tài sản, phạt hành chính và bắt làm giấy cam kết không tái phạm nhưng sau đó họ lại sắm bộ khác để tiếp tục hành nghề.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nghiêm cấm các hành vi đánh bắt cá bằng kích điện. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng chất nổ, kích điện, hóa chất độc hại để khai thác thủy sản vẫn diễn ra ở các hồ chứa, sông, suối trên địa bàn tỉnh. Điều này nguy hại đến nguồn lợi thủy sản, gây ô nhiễm môi trường của sinh vật sống trong nước.

Bà Lê Thị Loan, Trưởng phòng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Để hạn chế tình trạng này, phòng đã tổ chức tuyên truyền lưu động, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn đi thanh tra, kiểm tra; phổ biến Luật Thủy sản và các văn bản quy định cấm sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất độc hại để khai thác thủy sản đến người dân. Giúp nhân dân nhận thức được tác hại của việc đánh bắt thủy sản bằng các phương thức này để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Hiện chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm trong đánh bắt thủy sản chưa đủ mạnh. Mặt khác, các phương tiện đánh bắt cá này do người dân tự chế nên khó kiểm tra, kiểm soát.

Nguyễn Sơn

  • Từ khóa
92955

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu