Chủ nhật, 28/04/2024 00:12:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Đưa NQ vào cuộc sống 12:23, 07/09/2022 GMT+7

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ cấp xã

Thứ 4, 07/09/2022 | 12:23:18 2,450 lượt xem

(Tiếp theo k trước)

*NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

Những hạn chế từ cơ sở

Những năm qua, Đảng bộ tỉnh luôn coi trọng việc củng cố, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) nên đã có chuyển biến tích cực, tạo được sự thống nhất cao hơn về tư tưởng chính trị trong thực hiện đường lối đổi mới của Đảng; nâng cao một bước ý thức về xây dựng Đảng của cán bộ, đảng viên và niềm tin của nhân dân với Đảng. Nhiều TCCSĐ đã nỗ lực phấn đấu, nâng cao năng lực lãnh đạo, triển khai, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, đời sống nhân dân được cải thiện, an ninh chính trị được giữ vững, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa tổ chức đảng với các tầng lớp nhân dân được củng cố, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên ở các cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, năng lực nghiên cứu, quán triệt quan điểm, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và nắm tình hình địa phương của một số bí thư, phó bí thư và cấp ủy, đảng ủy xã chưa ngang tầm nhiệm vụ. Chất lượng lãnh đạo của TCCSĐ, đảng bộ cấp xã một số nơi còn những mặt chưa cao, chưa thực sự tạo được chuyển biến rõ nét trên một số lĩnh vực, nhiệm vụ. Khả năng xác định nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo giải quyết ở một số đảng bộ có thời điểm, có lĩnh vực chưa sát với thực tiễn. Các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề trọng điểm, mới nảy sinh hiệu quả còn thấp.

Kết quả điều tra về trình độ năng lực của bí thư, phó bí thư, cấp ủy viên của các đảng bộ cấp xã có 30% ý kiến của cán bộ và 26% ý kiến của đảng viên được hỏi cho rằng còn đạt ở mức trung bình; trong đó, tỷ lệ đánh giá yếu lần lượt là 9,6% và 10%. Qua phỏng vấn cán bộ hưu trí trên các địa bàn về chất lượng nghị quyết lãnh đạo của chi bộ, đảng bộ cấp xã thuộc một số đảng bộ cấp huyện cũng cho thấy 16,9% ý kiến cán bộ hưu trí đánh giá còn chung chung, chưa sát tình hình nhiệm vụ; 18,1% cho rằng chủ trương, biện pháp lãnh đạo chưa phù hợp; tỷ lệ đó với ủy viên thường vụ đảng ủy xã là 17,5%.

Từ thực tế cho thấy ở một số đảng bộ, tình trạng nghị quyết lãnh đạo tuy đã được xác định đúng nhưng việc quán triệt, phổ biến, phân công nhiệm vụ cho cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên triển khai thực hiện còn chung chung. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đánh giá: “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế”1. Biểu hiện ở việc một số TCCSĐ, đảng bộ cấp xã chủ yếu chỉ phân công nhiệm vụ cho các chi ủy viên, chưa phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên. Một số bí thư, phó bí thư, cấp ủy viên, việc quán triệt, lĩnh hội tinh thần của nghị quyết và nhiệm vụ được phân công còn hạn chế; khả năng tuyên truyền, phổ biến nghị quyết cho quần chúng còn yếu, chưa biết cụ thể hóa nghị quyết thành những kế hoạch, chương trình hành động thiết thực để thực hiện. Một số không ít đảng viên chưa biết chuyển tải tinh thần của nghị quyết đến quần chúng, khả năng cụ thể hóa nghị quyết vào các hoạt động thực tiễn chưa cao. Do đó, chủ trương thì có nhưng biện pháp thực hiện thì không hoặc có cũng chưa sát, chưa nhiều nên một số chủ trương vẫn chỉ là trên giấy tờ, chưa thật sự đi vào cuộc sống, chưa kịp thời giải quyết được những vấn đề phức tạp nảy sinh, nhiều vấn đề nan giải chuyển biến chậm. Kết quả điều tra về năng lực quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của đảng bộ cấp xã có 21,6% ý kiến của bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ đảng ủy xã và 22,8% đảng viên được hỏi đánh giá đạt ở mức trung bình.

Theo báo cáo đánh giá công tác xây dựng đảng của đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố, một số TCCSĐ, đảng bộ cấp xã chưa thật sự quan tâm làm tốt công tác kiện toàn tổ chức đảng ủy, chi ủy, chi bộ và công tác phát triển đội ngũ đảng viên; chất lượng của một số cấp ủy viên còn thấp, trình độ học vấn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, kiến thức, kinh nghiệm lãnh đạo chưa ngang tầm, một số chưa qua đào tạo lý luận chính trị. Trong khi đó, công tác quy hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng của các chi ủy, chi bộ làm chưa chặt chẽ, thiếu tính chiến lược dài hơi nên gây không ít khó khăn cho công tác kiện toàn chi ủy về số lượng và chất lượng. Việc duy trì nền nếp, chế độ, nguyên tắc sinh hoạt, hoạt động của Đảng còn hạn chế. Trong sinh hoạt nghị quyết, một số đảng viên còn e dè, né tránh, ngại phát biểu xây dựng nghị quyết, tính chiến đấu trong đấu tranh tự phê bình, phê bình chưa cao. Cá biệt ở một số nơi tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật Nhà nước còn diễn ra.

Qua nghiên cứu thực tế, các báo cáo của một số chi bộ, đảng bộ cấp xã và điều tra cho thấy, thực hiện chế độ sinh hoạt định kỳ của một số chi bộ, đảng bộ có thời điểm còn chưa thường xuyên hoặc có sinh hoạt đều đặn nhưng số đảng viên dự họp còn thiếu. Về công tác phát triển đảng viên, vẫn còn một số TCCSĐ, đảng bộ cấp xã chưa quan tâm đúng mức. Đánh giá về tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình của đội ngũ cán bộ, đảng viên thuộc các chi bộ, đảng bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh hiện nay có 14,8% cán bộ và 12,4% đảng viên được hỏi cho rằng còn ở mức thấp và rất thấp. Về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, ở một số chi bộ, đảng bộ, có thời điểm còn chưa nghiêm túc, hiệu quả thấp. Đặc biệt, về công tác kiểm tra, giám sát, có tới 24,8% cán bộ và 22,4% đảng viên đánh giá chưa làm tốt, hiệu quả chỉ ở mức trung bình và yếu, chưa có biện pháp ngăn ngừa và đấu tranh xử lý đảng viên vi phạm. Khả năng đấu tranh với những tiêu cực, lạc hậu trong nội bộ cấp ủy, chi bộ, đảng bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh còn nhiều yếu kém, có tới 30% cán bộ và 29,2% đảng viên được hỏi cho rằng chỉ đạt ở mức trung bình.

Trước những thách thức hiện tại, trong những năm tới, nhiệm vụ lãnh đạo của các TCCSĐ, đảng bộ cấp xã có sự phát triển mới. Các chi bộ, đảng bộ cấp xã có nhiệm vụ lãnh đạo tập trung vào xây dựng và quản lý đô thị, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế tập trung các xã biên giới, dân tộc thiểu số; giữ vững ổn định chính trị, văn hóa, xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; tăng cường gắn kết ý Đảng, lòng dân trên địa bàn tỉnh. Do vậy, yêu cầu bao trùm trong hoạt động lãnh đạo của các TCCSĐ, đảng bộ cấp xã là bảo đảm cho Đảng bộ thực sự là hạt nhân lãnh đạo chính trị, bảo đảm cho địa phương luôn giữ vững ổn định về chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; quản lý hành chính, quản lý xã hội, trật tự trị an trên địa bàn.


Tập trung các biện pháp khắc phục

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, trong thời gian tới đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung lãnh đạo các TCCSĐ, đảng bộ các xã, phường, thị trấn tập trung thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Tập trung lãnh đạo nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các TCCSĐ, đảng bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Phước gắn với nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ, năng lực lãnh đạo của chi ủy, chi bộ, đảng ủy, đảng bộ cấp xã. Đây là yêu cầu giữ vị trí quan trọng hàng đầu, chi phối hoạt động của chủ thể và đối tượng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các đảng bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Cấp ủy, bí thư, phó bí thư và đội ngũ đảng viên của đảng bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Phước phải có nhận thức cơ bản, xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát với thực tiễn ở từng địa phương. Vì vậy, các cấp ủy đảng cần đổi mới và thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên. Tăng cường công tác tư tưởng, định hướng dư luận xã hội trong các hoạt động của Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhất là sinh hoạt chi bộ, đảng ủy. Đồng thời, các cấp ủy đảng cũng cần xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, rèn luyện cho đội ngũ cấp ủy viên các chi bộ, đảng bộ cấp xã về giá trị văn hóa, đạo đức, có “cái tâm” trong sáng, có “cái tầm” tương xứng trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tập trung nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh cho đội ngũ đảng viên, nhất là cấp ủy viên, bí thư, phó bí thư. Đây là yêu cầu cực kỳ quan trọng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh hiện nay…

Giáo dục nâng cao lập trường tư tưởng chính trị, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Rèn luyện ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ, sẵn sàng xả thân vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng và lối sống trong sạch, lành mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện tốt các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên và quy định những điều đảng viên không được làm, thực hành tiết kiệm, đấu tranh chống tiêu cực cho đội ngũ đảng viên. Nâng cao nhận thức hiểu biết về Đảng, nhất là các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, đẩy mạnh công tác phát triển đảng, nhất là những địa bàn trọng yếu, nơi còn ít đảng viên.

Đảng ủy cấp trên phải thường xuyên có nghị quyết lãnh đạo đúng đắn để các TCCSĐ quán triệt, cụ thể hóa sát với yêu cầu lãnh đạo nhiệm vụ chính trị được giao; phải nắm chắc chất lượng lãnh đạo, chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, chất lượng đảng viên để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo kịp thời. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc giáo dục nâng cao nhận thức cho cấp ủy, đảng viên, việc quán triệt và cụ thể hóa nghị quyết của cấp trên, chấp hành các nguyên tắc, chế độ quy định của các TCCSĐ. Phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì, xây dựng và củng cố sự đoàn kết trong cấp ủy, giữa lãnh đạo và chỉ huy tạo ra sự đoàn kết, nhất trí cao trong các TCCSĐ. Quan tâm xây dựng đội ngũ bí thư, cán bộ chủ trì có đủ phẩm chất, năng lực, thật sự là trung tâm đoàn kết, là “linh hồn” của TCCSĐ.

1BCH Đảng bộ tỉnh Bình Phước (2020), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, tr.67.

  • Từ khóa
150255

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu