Thứ 7, 11/05/2024 21:29:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Sách hay 06:37, 04/06/2021 GMT+7

Những ngày cuối cùng của dòng Mekong hùng vĩ

Vũ Tiến Dương
Thứ 6, 04/06/2021 | 06:37:00 1,097 lượt xem
BPO - Báo chí đăng tin, trong năm 2020, có khoảng gần 1 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rời quê đi làm ăn xa xứ do đất bị xâm mặn, nhiễm phèn; tình cờ lướt báo điện tử “cafebiz.vn” đọc được bài: Muốn thoát nghèo, không nên chỉ quanh quẩn giữa lúa, trái cây, thủy sản của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Bài viết có đưa ra ví dụ để so sánh: Trung Quốc xuất khẩu nấm thu về 17 tỷ USD/năm và tạo công ăn việc làm cho 10 triệu người, chỉ cần các tỉnh miền Tây chuyển đổi sang trồng nấm, bằng 10% của Trung Quốc cuộc sống người dân chắc hẳn sẽ sung túc.

Mặc dù đã ra Hà Nội nhậm chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhưng nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp luôn trăn trở với ngành nông nghiệp của quê hương đất chín Rồng. Thế nên tại hội nghị Conect Mekong có sự tham gia của 4 tỉnh ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp), ông đã có nhiều đề xuất rất bổ ích cho lãnh đạo các tỉnh nên nghiên cứu thay đổi mô hình phát triển nông nghiệp để giúp người dân thoát nghèo, không phải bỏ xứ đi làm ăn xa. Đồng thời, bài viết cũng gợi ý nên tìm đọc quyển sách “Những ngày cuối cùng của dòng Mekong hùng vĩ” nhằm tìm ra hướng đi thích hợp cho ĐBSCL.

Tác giả của “Những ngày cuối cùng của dòng Mekong hùng vĩ” là Brian Eyler - người Mỹ, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Simson tại Washington DC, từng có hơn 15 năm sinh sống và làm việc tại Trung Quốc, với nhiệm vụ là quản lý các Trung tâm du học ở Bắc Kinh và Côn Minh nên dẫn đầu nhiều chuyến tham quan học tập trên khắp khu vực sông Mekong. Sách được viết theo dạng bút ký, là những tài liệu với những số liệu cụ thể được ghi chép lại một cách khách quan, tỉ mỉ. Ông đã đi xuyên suốt hàng chục năm để nghiên cứu về dòng sông huyền thoại đã cưu mang cho cư dân dọc hai bên bờ sông, nhiều dân tộc sinh sống từ ngàn đời từ vùng Tây Tạng đầy băng tuyết giá lạnh đến vùng đất chín Rồng đổ ra biển cả. Đó là sự diệu kỳ của tự nhiên được sắp đặt sẵn từ hàng triệu năm trước. Ngay từ khi vừa ấn hành, “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ” lập tức gây sự chú ý đặc biệt đối với những chuyên gia môi trường và giới làm chính sách không chỉ tại châu Á và Việt Nam.

Sách được trình bày qua 10 chương, gồm: “Vũ Băng: thiên đường hạ giới cuối cùng; xây đập trên thượng Mekong; thung lũng Nhĩ Hải; tộc Akha - người Zomia hiện đại; Tam giác vàng đang thay đổi; Lào - Không gian tranh đoạt; xây đập ở hạ Mekong; Phnom Penh và hồ Boeung Kak; Hồ Tonle sap; tương lai Đồng bằng sông Cửu Long”. 10 chương sách là 10 chặng của dòng sông Mekong từ nơi khởi nguồn đến nơi kết thúc đổ ra biển cả, tái dựng lại lịch sử của một dòng sông Mekong hùng vĩ và đang chịu tác động bởi sự khai thác làm thay đổi môi trường sống đáng báo động.

Điểm thú vị của cuốn sách, cho hay: phần lớn người dân Trung Quốc không biết sông Lan Thương và sông Mekong là một, mà họ lại cho rằng đó là hai con sông hoàn toàn khác biệt dẫn đến chuyện nhiều người ở Trung Quốc thắc mắc vì sao các nước hạ nguồn lại quá bận tâm đến cách Trung Quốc đối xử với sông Mekong. Khi nhà báo kỳ cựu Đông Nam Á Tom Fawthrop thực hiện bộ phim tài liệu Where Have All the Fish (Cá đi đâu hết rồi), một nhà ngoại giao Trung Quốc cho thấy sự thiếu hiểu biết khi nói rằng những việc xảy ra trên sông Lan Thương chẳng ảnh hưởng gì đến sông Mekong vì chúng là hai con sông khác nhau. Mãi đến năm 2011, một vụ tai nạn xảy ra trên sông Mekong tại khu vực Tam giác vàng khiến 13 thương nhân Trung Quốc bị sát hại, báo chí quốc tế đưa tin, tạo nên sự chú ý thì người dân Trung Quốc mới biết rằng Lan Thương và Mekong là một. 

Ngoài ra, tác giả cho biết tuy dòng sông Mekong chảy qua Trung Quốc hơn ½ chiều dài nhưng nó đóng góp chưa đến 20% lưu lượng nước, nhưng khi đến tỉnh Stung Treng thuộc vùng Đông bắc Campuchia, Mekong nhập với dòng 3S (Sekong, Sesan và Serepok) có đến hơn 80% lượng nước đổ về tạo ra một vùng phù sa trù phú với tổng sinh khối cá gấp 13 lần tổng số cá ở trong các sông ngòi và hồ chứa ở Bắc Mỹ cộng lại. Riêng Biển hồ Tonle Sap của Campuchia đã chứa nhiều cá hơn cả lục địa Bắc Mỹ và ở cuối dòng, hơn 20 triệu người Việt Nam đang sống dựa vào canh tác nông - ngư nghiệp trên vùng đồng bằng trù phú tạo ra từ phù sa kết lắng do các dòng hạ lưu sông Mekong mang đến… 

Nói đến dòng Sekong, với tôi đó là những kỷ niệm trong vài lần đi công tác và du lịch ở tỉnh Stung Treng, Vương quốc Campuchia. Những buổi sớm mai, tôi thường đi dạo gần khu vực ngã ba sông để ngắm nhìn dòng sông chảy ngược nhập vào dòng Mekong hùng vĩ, khung cảnh thật bình yên thơ mộng, một bên là ngã ba sông, một bên là chiếc cầu hữu nghị uy nghi, sừng sững do Trung Quốc tài trợ cho Campuchia. Sekong bắt nguồn từ dòng Serepok (Đắk Lắk, Việt Nam) chảy qua các tỉnh cao nguyên phía Nam Lào mang tên dòng Sesan và xuôi dòng vào Campuchia có tên là Sekong và tại khu vực ngã ba sông này cho nhiều vô kể các loài cá to, rất ngon và quý hiếm.

Sau khi hai dòng sông được nhập lại, nước từ Mekong rất nhiều tạo dòng chảy mạnh, từ đây xuôi về ĐBSCL với địa hình bằng phẳng như là động mạch chủ bơm sức sống cho các vùng đất. Thế nhưng, các quốc gia đang được dòng Mekong nuôi dưỡng một cách bao dung và miễn phí không hiểu được điều đó. Họ luôn tìm cách khai thác từng khúc sông nằm trên lãnh thổ của mình theo nhiều cách khác nhau. 

Tác giả phân tích những dự án phát triển kinh tế không đề cao những lợi ích bền vững, tác động xấu đến hệ sinh thái. Như tại Campuchia, người dân đánh bắt cá “quá tay”, tiêu diệt triệt để nguồn cá và làm nguy hại đến sinh cảnh. Lào dự tính xây đập nước thứ sáu, do muốn trở thành trung tâm sản xuất điện, bán cho nước khác. Và rồi, Trung Quốc chịu trách nhiệm lớn cho sự suy thoái của Mekong. Đập thủy điện ở sông Lan Thương (Trung Quốc), thường xuyên giữ lại nước ở thượng nguồn, khiến những quốc gia như Lào, Thái Lan, Việt Nam… hạn hán.

Chặng cuối của hành trình, tác giả dừng lại ở ĐBSCL với những ghi nhận thực tế và đưa ra nhiều cảnh báo, đề xuất về những phương án thích nghi khi khu vực sản xuất nông nghiệp lớn nhất ở Việt Nam hiện đang bị kẹp giữa các đập thượng nguồn và mực nước biển dâng cao. 

Ở đó, một miền Tây sông nước hiện ra: những cuộc gặp gỡ từ chuyên gia đến người nông dân, những cánh đồng ngập mặn, những người nông dân không thể sống nhờ mảnh vườn của mình và cả những cánh đồng trúng mùa nhưng thiếu người thu hoạch vì thanh niên đã bỏ quê đi nơi khác lập nghiệp... 

Ngoài những phân tích, tác giả còn đưa ra những giải pháp hợp lý rằng: "nếu Việt Nam - quốc gia nằm ở cuối dòng Mekong - có thể đấu tranh để đạt được mức cân bằng trong hoạch định kết hợp nguồn năng lượng, để giúp các quốc gia láng giềng (như Lào, Campuchia) phát triển các cơ sở điện gió, điện mặt trời và điện sinh học", thì tình hình có thể thay đổi đôi chút. Hay là, Campuchia, với truyền thống làm nghề mắm bò hóc cũng là cách hay để dự trữ cá, tránh tình trạng khai thác bừa bãi quá mức làm tiêu diệt nguồn lợi thủy sinh mà Mekong đã hào phóng ban tặng.

Cuối cùng, tác giả đề cập đến việc Campuchia đang tiến hành xây dựng báo cáo tiền khả thi việc đầu tư xây dựng đập thủy điện ở huyện Sambor, tỉnh Kratie 2.600 megawatt - nơi mà vẫn còn loài cá heo nước ngọt Irrawaddy lớn nhất thế giới đang sinh sống có nguy cơ tuyệt chủng. Nếu thủy điện Sambor được xây dựng tại đây thì: “sẽ là chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài đặt dấu chấm hết để chôn cất dòng Mekong hùng vĩ” và “Nếu chúng ta không bắt đầu ngay hôm nay, xem dòng sông và cảnh quan xung quanh như một hệ thống kết nối và cùng nhau hành động để bảo tồn, thì ngày tàn của dòng Mekong hùng vĩ đã đến”.

  • Từ khóa
124409

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu