Thứ 5, 09/05/2024 04:51:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phóng sự - Ký sự 13:22, 07/01/2021 GMT+7

Tài nguyên và môi trường

Ða lợi ích từ rừng

Thu Thảo
Thứ 5, 07/01/2021 | 13:22:00 2,614 lượt xem
BPO - Dưới những tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đang là xu hướng chung của thời đại. Trong đó, vai trò của rừng được nhấn mạnh đặc biệt quan trọng. Rừng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội mà còn là lá phổi xanh của nhân loại. Vì vậy, tăng diện tích đồng thời bảo vệ các diện tích rừng hiện có là vấn đề cấp thiết cần được quan tâm thực hiện.

Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng 10-11-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu đề xuất trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới. 1 tỷ cây xanh nếu quy ra diện tích tương đương 300-400 ngàn ha rừng trồng. Mục tiêu này là hoàn toàn khả thi nếu có một kế hoạch rõ ràng, cụ thể và cách làm phù hợp.

Phát triển rừng bán ngập

Bình Phước có khoảng 2.000 ha đất bán ngập, phân bố chủ yếu dọc 2 lòng hồ thủy điện Cần Đơn và Thác Mơ. Diện tích này trước đây là rừng tự nhiên. Tuy nhiên, khi xây dựng các công trình thủy điện, cây rừng đã bị chết do ngập nước và để lại hàng ngàn héc ta đất trống. Để phủ xanh diện tích này, mô hình rừng bán ngập ở Hạt kiểm lâm huyện Bù Đốp đã ra đời.

30 ha diện tích bán ngập thuộc Tiểu khu 72 lòng hồ thủy điện Cần Đơn đã được phủ xanh

Ông Nguyễn Văn Ách, nguyên Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bù Đốp, người đặt những cây rừng đầu tiên lên diện tích đất trống này, cho biết: Nhu cầu phát triển của các đập thủy lợi và thủy điện làm ảnh hưởng đến môi trường rất nhiều, khiến diện tích rừng bị thu hẹp. Do đó, nếu tận dụng được các diện tích bán ngập ở lòng hồ để trồng cây rừng tạo tán che phủ, đồng thời chống xói mòn đất sẽ giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của các công trình thủy điện đến môi trường. Nghĩ vậy nên tôi cùng anh em bắt đầu thực hiện mô hình này.

Vượt qua khó khăn ban đầu, sau 7 năm, gần 140 ha bán ngập thuộc các tiểu khu 72, 73, 74 khu vực lòng hồ thủy điện Cần Đơn do Hạt kiểm lâm Bù Đốp quản lý đã được phủ xanh 100% bởi cây tràm và gáo nước. Tỷ lệ sống lên đến trên 80% cho thấy tính hiệu quả của 2 loại cây này tại diện tích bán ngập của khu vực lòng hồ. Trong đó, 30 ha cây gáo nước ở Tiểu khu 72 phát triển xanh tốt, đường kính cây lên đến 20cm, độ cao từ 5-6m, đạt tỷ lệ che phủ cao.

Ngoài phát triển du lịch sinh thái, vườn quốc gia cũng đang triển khai tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hiện toàn bộ diện tích của vườn được giao khoán cho các cộng đồng thôn bản là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, giúp ổn định kinh tế của gia đình khi tham gia bảo vệ rừng.

Ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Đối với diện tích đất bán ngập trên các lòng hồ, khó khăn lớn nhất là không chịu tác động lên xuống như nước thủy triều, mà phụ thuộc trực tiếp vào sự điều tiết nước của các nhà máy thủy điện. Chọn lựa được cây tràm và gáo nước có khả năng chống chịu với điều kiện này cộng với điều chỉnh vị trí trống hợp lý giữa 2 loại cây đã là thành công. Không chỉ phủ xanh đất trống, khi tràm và gáo nước giáp tán sẽ hạn chế cỏ dại mọc sau khi nước rút và chống bồi lắng lòng hồ.

Ngoài khu vực lòng hồ thủy điện Cần Đơn, Bình Phước còn khu vực lòng hồ thủy điện Thác Mơ với rất nhiều diện tích bán ngập. Trong đó, 305 ha ven hồ thủy điện Thác Mơ giao về TX. Phước Long quản lý vẫn chưa có một cây rừng nào, hoàn toàn là “đất sống” của cây mai dương - loài thực vật ngoại lai. Phát triển mô hình rừng bán ngập tại khu vực này là rất khả thi, đồng thời làm tăng tỷ lệ che phủ rừng của Bình Phước, vốn đang ở mức 23,01%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ che phủ chung của cả nước.

Gắn với du lịch sinh thái

Trong bối cảnh Chính phủ đã ban hành quyết định về đóng cửa rừng tự nhiên, người dân sống ở gần rừng không được khai thác và hưởng lợi từ khai thác gỗ thì việc bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái khai thác các lợi ích, giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng là cơ hội mang lại lợi ích kinh tế, thu nhập cho người dân và vẫn giữ được rừng.

Lúc trồng có khó khăn do khu vực này phải tiếp cận bằng xuồng, ghe nhưng bây giờ khi phát triển tốt rồi thì cây gáo nước và cây tràm rất dễ chăm sóc. Hơn nữa, việc phòng chống cháy cũng thuận tiện hơn rừng tự nhiên do trồng theo hàng, luống, cộng với phương thức bảo vệ tốt thì không dễ cháy như rừng tự nhiên.

Anh Nguyễn Văn Hậu, nhân viên Hạt kiểm lâm huyện Bù Đốp

Với 25.788,6 ha, Vườn quốc gia Bù Gia Mập là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh làm tốt công tác này. Đến nay, chỉ còn Vườn quốc gia Bù Gia Mập là có khoảng 388 ha rừng nguyên sinh - rừng ít bị tác động hoặc chưa bị tác động cộng với hệ động - thực vật hoang dã vô cùng phong phú. Đây là lợi thế lớn để thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm, khám phá. Anh Bùi Thế Long, hướng dẫn viên của Công ty du lịch Việt Phước nói: “Huyện Bù Đốp cũng đang có hướng phát triển theo mô hình du lịch sinh thái tại các diện tích rừng bán ngập. Nhưng tôi thấy chưa bài bản và chưa hiệu quả so với Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Bù Đốp cần phải học hỏi cách làm của Vườn quốc gia Bù Gia Mập thì mới phát triển được mô hình du lịch sinh thái này”.

Ước tính mỗi năm, Vườn quốc gia Bù Gia Mập thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch đến tham quan trải nghiệm và đều tăng qua các năm. Du lịch sinh thái kết hợp hài hòa cả 3 mục tiêu: kinh tế, xã hội, sinh thái. Do đó, du lịch sinh thái là loại hình du lịch bền vững, đảm bảo môi trường tự nhiên và xã hội không những không bị suy thoái mà còn được củng cố phát triển lâu dài.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm đạt 76,7%. Trồng rừng ở những khu vực xung yếu, mở rộng theo từng vùng quy hoạch, đồng thời bảo vệ các diện tích rừng hiện có theo các giải pháp bền vững sẽ là cơ sở vững chắc để hoàn thành mục tiêu nêu trên.  

  • Từ khóa
118626

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu