Thứ 4, 08/05/2024 11:24:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phóng sự - Ký sự 10:03, 31/12/2020 GMT+7

Tài nguyên và môi trường

Nan giải bài toán xử lý rác thải nông thôn

Thu Thảo
Thứ 5, 31/12/2020 | 10:03:55 3,149 lượt xem
BPO - Theo Quyết định số 1122/QĐ-UBND ngày 29-5-2012 của UBND tỉnh đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ có 10 khu xử lý chất thải rắn (trung bình mỗi huyện có 1 khu xử lý chất thải rắn) nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện chỉ có TP. Đồng Xoài có nhà máy xử lý chất thải. Còn lại, rác thải sinh hoạt chủ yếu được thu gom và chôn tạm ở hầu hết các bãi rác lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe các cụm dân cư lân cận.

Rác thải chất đống ngay dưới biển cấm ở xã Tân Khai, huyện Hớn Quản

Không khó để bắt gặp những bãi rác tự phát cạnh con đường liên thôn, liên xã. Thậm chí, rác thải sinh hoạt do một số người dân thiếu ý thức đóng thành bao ném xuống kênh, mương, suối… Các loại rác này thải ra môi trường nông thôn mỗi ngày mà phần lớn chưa qua xử lý, hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường.

Chưa có đội thu gom rác thải

Mặc dù đến nay đã có nhiều xã trên địa bàn tỉnh thành lập được tổ thu gom chất thải sinh hoạt nhưng việc thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt chỉ có một số ít là do công ty dịch vụ môi trường thực hiện. Còn lại phần lớn do các hợp tác xã, tổ, đội tự quản thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận ở mức thấp, khoảng 10.000-20.000 đồng/hộ/tháng. Số tiền này chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thu gom chất thải, không đủ để chi trả cũng như duy trì hoạt động vận chuyển. Ở Lộc Thạnh - xã vùng biên huyện Lộc Ninh, dù chính quyền xã đã nhiều lần tổ chức họp dân nhưng đến nay, xã vẫn chưa thể thành lập đội thu gom rác thải.

Tôi mở quán ở đây để phục vụ khách ăn cơm, uống nước nhưng mỗi khi có gió, bãi rác theo gió bốc mùi lên chịu không nổi. Mùa mưa thì nước rỉ rác thấm xuống đất cũng gây ô nhiễm, mùa khô thì mùi khó chịu. Chưa kể những lúc đốt bãi rác, khói bốc lên lan tràn, người dân trong khu vực ở đây cũng phải ngửi thôi. Mà đốt lộ thiên như vậy cũng chỉ xử lý tức thời, tôi nghĩ không hiệu quả.

Anh Lê Minh Luân, sinh sống gần bãi rác lộ thiên xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh


Ông Lê Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Lộc Thạnh cho biết: Đối với những địa bàn vùng xa như Lộc Thạnh, người dân ở thưa nên việc thu gom rác thải rất khó khăn. Không có đơn vị nào tham gia xã hội hóa vì không đảm bảo vấn đề lợi nhuận. Chính vì vậy, đến rác thải trên địa bàn xã vẫn do người dân tự xử lý, của nhà nào nhà nấy tự quản.

Lộc Ninh đang xây dựng quy hoạch bãi rác xử lý tập trung với diện tích khoảng 40 ha và đã được UBND tỉnh chấp thuận. Huyện đang làm thủ tục và chuẩn bị giải phóng mặt bằng để kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung cho huyện theo công nghệ mới. Theo đó, nhà máy xử lý rác này sẽ xử lý toàn bộ rác thải phát sinh trên địa bàn huyện Lộc Ninh và TX. Bình Long.

Ông Lê Văn Thắng, Đội trưởng Đội quản lý công trình đô thị huyện Lộc Ninh


“Tự xử lý” nên không thiếu tình trạng người dân thiếu ý thức vứt rác bừa bãi khắp nơi. Đây là thực trạng đang tồn tại ở rất nhiều xã vùng sâu trên địa bàn tỉnh. Không chỉ vậy, những bất cập trong vấn đề quy hoạch các địa điểm xử lý rác còn chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng mỗi xã có một lò đốt chất thải, hay những bãi chôn lấp chất thải không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật vẫn phát sinh. Theo thống kê, mỗi ngày thị xã Bình Long phát sinh khoảng 30 tấn chất thải sinh hoạt. Tuy nhiên, lò đốt tại bãi rác của thị xã chỉ đốt được khoảng 8 tấn rác/ngày. Rác cũ chưa xử lý hết, rác mới đã lại phát sinh. Và đương nhiên, bãi rác “quá tải”.

Nhiều hệ lụy

Không có đội thu gom, các bãi rác tập trung quá tải và không có biện pháp xử lý rác triệt để là thực trạng tồn tại từ nhiều năm qua. Hầu hết các bãi rác tập trung trên địa bàn tỉnh hiện đều xử lý rác bằng các biện pháp thủ công như đốt hoặc chôn lấp, không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường. Khối lượng rác thải lớn, tỷ lệ chôn lấp cao, tiếp xúc với các điều kiện tự nhiên thấp nên quá trình phân hủy của rác hữu cơ, rác thải nhựa lâu hơn, khiến các bãi rác càng trở nên quá tải nhanh hơn. Hơn nữa, do không có lớp lót và hệ thống thu nước rỉ rác nên nước rỉ rác đã thấm thẳng xuống đất gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Những tác động của các bãi rác quá tải không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến không gian sống mà còn với sức khỏe và tâm lý người dân trong khu vực lân cận, đặc biệt là ở những khu dân cư gần khu vực bãi rác lộ thiên.

Rác trên địa bàn TX. Bình Long hiện phải chở sang bãi rác của TP. Đồng Xoài để xử lý, vừa mất thời gian vừa không đảm bảo vệ sinh môi trường khi phải chở rác đi quãng đường đến vài chục cây số. Chúng tôi vẫn đang chờ bãi rác của huyện Lộc Ninh đang được quy hoạch để có thể vận chuyển rác lên đó xử lý.

Ông Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TX. Bình Long


Thống kê cho thấy, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh năm 2020 ở khu vực đô thị là 64.724,4 tấn và ở khu vực nông thôn là 118.040,4 tấn. Tuy nhiên, trong khi việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải ở khu vực đô thị đạt 90% thì ở vùng nông thôn lại rất thấp, chỉ khoảng 20%.

Giải quyết bài toán rác thải sinh hoạt nông thôn không thể một sớm một chiều mà đòi hỏi phải có sự thay đổi từ nhiều phía, theo hướng chuyên nghiệp, bài bản trong việc thu gom, xử lý rác thải. Đồng thời, cần vận động sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền phân loại rác tại nguồn. Có như vậy, việc xử lý rác mới đạt hiệu quả lâu dài và rác không còn là gánh nặng môi trường ở mỗi vùng nông thôn.

  • Từ khóa
118403

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu