Thứ 7, 11/05/2024 00:14:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Đưa NQ vào cuộc sống 05:00, 18/02/2022 GMT+7

Nghị quyết 03 - “bệ đỡ” cho nông nghiệp

Đức Hiến
Thứ 6, 18/02/2022 | 05:00:13 1,826 lượt xem
BPO - Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững là một trong 3 chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bù Gia Mập lần thứ XII nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Ngay sau đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 26-1-2021 về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu của nghị quyết là nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, nhất là bà con vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đánh giá đúng thực trạng để phát triển

Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với hơn 85% dân số sống bằng nghề nông, tuy nhiên thời gian qua, kinh tế nông nghiệp của Bù Gia Mập còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của huyện. 

Ông Nguyễn Xuân Hoan, Phó chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập (thứ 2 từ trái sang) cùng đoàn công tác của huyện thăm mô hình trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ của HTX Phương Nghĩa tại xã Đắk Ơ

Nghị quyết 03 của Huyện ủy Bù Gia Mập xác định kinh tế tập thể đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững. Hoạt động sản xuất nông nghiệp phải đảm bảo nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sống và hướng đến nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao. Do đó, bước đầu tiên là quy hoạch vùng nguyên liệu cho trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, trên nền tảng các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và các mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của huyện. Từ cơ sở đó, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của các cơ quan chuyên môn là tăng cường hướng dẫn nông dân, các HTX, tổ hợp tác áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm cho từng loại cây trồng, vật nuôi.

Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện Bù Gia Mập có khoảng 8 loại sản phẩm OCOP và thành lập mới ít nhất 12 HTX về sản xuất nông nghiệp duy trì phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả đối với các HTX đã được thành lập, khoảng 40-50% HTX nông nghiệp tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập Lê Quang Oanh


“Chúng tôi yêu cầu các xã ngay từ đầu nhiệm kỳ phải tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng cũng như đạt hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, hướng đến xây dựng thương hiệu các sản phẩm đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, an toàn sinh học, hữu cơ, các sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý, mỗi xã một sản phẩm. Phát triển hệ thống lưu thông, liên kết sản xuất giữa 4 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp), đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao khả năng và quyền tiếp cận của người dân đối với lương thực, thực phẩm an toàn, đảm bảo dinh dưỡng và xây dựng chính sách đối với nông dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm” - ông Nguyễn Xuân Hoan, Phó chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh.

Để triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 03-NQ/HU, ngày 5-7-2021, UBND huyện Bù Gia Mập đã ban hành Kế hoạch số 139 phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cấp ủy, chính quyền các xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân triển khai một cách chặt chẽ, có lộ trình và bước đi phù hợp cho từng năm và cả nhiệm kỳ. “Hiện nay, Bù Gia Mập đang tập trung phát triển nhóm sản phẩm chính, sản phẩm đặc trưng của huyện, hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, chú trọng các quy trình sản xuất của thực hành nông nghiệp tốt, an toàn sinh học, hữu cơ, giúp nâng cao năng suất cây trồng, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường, hướng đến nền nông nghiệp an toàn” - Phó chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập Nguyễn Xuân Hoan cho biết thêm. 

Phấn đấu có khoảng 8 loại sản phẩm OCOP

Nghị quyết số 03-NQ/HU đề ra mục tiêu sẽ hình thành các vùng chuyên canh trồng điều, ca cao xen điều, tiêu đạt các tiêu chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP, Organic… phấn đấu đến năm 2025 đạt 15% tổng diện tích toàn huyện. Riêng năng suất điều năm sau tăng trên 5% so với năm trước, phấn đấu đến năm 2025 đạt bình quân trên 2,5 tấn/ha; hình thành vùng sản xuất các loại cây trồng như: sầu riêng, mít, bơ, cây có múi (bưởi, cam, quýt…) chất lượng cao đạt tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP, Organic. Duy trì diện tích đất trồng lúa 2 vụ ít nhất 220 ha; chú trọng trồng những giống lúa mới chất lượng, có thương hiệu và năng suất cao vượt 30% so với trước đây.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện sẽ hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ sinh học, để sản phẩm làm ra sạch, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng. Đồng thời, hướng dẫn bà con kỹ thuật chọn giống, trồng, chăm sóc, canh tác để sản phẩm làm ra luôn đạt tiêu chuẩn sạch, an toàn. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng ở những vùng có đủ điều kiện, vùng nào không chuyển đổi được sẽ sử dụng cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đó. 

Ông Phan Văn Hà, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Gia Mập

Đối với chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, tập trung, quy mô liên kết HTX, tổ hợp tác, chuỗi liên kết… bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, theo hướng an toàn sinh học với quy mô đạt khoảng 20% trên tổng đàn trong toàn huyện.

“Mục tiêu lớn nhất của Đảng bộ, chính quyền huyện Bù Gia Mập là sớm đưa Nghị quyết 03 vào cuộc sống để nền nông nghiệp huyện phát triển ổn định, bền vững, người dân có thu nhập cao trên chính mảnh đất của mình. Đây là nền tảng mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh của huyện biên giới trong thời gian tới” - ông Phùng Hiệp Quốc, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bù Gia Mập chia sẻ.

  • Từ khóa
137194

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu