Thứ 2, 20/05/2024 18:46:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị


Nụ cười của mẹ

8:19:32 - 8/1/2022

Bao năm qua, anh em tôi lớn lên từ chính gánh xôi của mẹ hằng ngày rong ruổi từ ngõ này qua hẻm khác. Bởi thế mà mấy chục năm “hành nghề”, nơi đâu trong thành phố này cũng in dấu chân mẹ tôi.

Mỗi đêm khuya, nhà nào cũng đang chìm trong giấc ngủ thì mẹ tôi đã thức dậy đồ xôi để kịp đi bán trước khi mặt trời ló dạng. Mối ăn của mẹ tôi thường là người cao tuổi, học sinh và nhiều nhất là công nhân, lao động. Xôi khúc do mẹ tôi tự lựa thực phẩm đảm bảo an toàn, được gói bằng lá chuối đượm mùi thơm tự nhiên khiến ai ăn cũng khen ngon.

Ba mất khi tôi mới lên 5, còn em trai chưa đầy 6 tháng, căn nhà mượn tạm của bác hai đã nhuốm màu thời gian, dột nát tứ bề. Bà ngoại thương tình bán nốt mảnh vườn một đời gắn bó để có tiền cho mẹ tôi xây lại căn nhà trên nền đất bác hai cho. Cũng từ đó mẹ oằn gánh đôi vai khi mới 23 tuổi phải một mình nuôi 2 con nhỏ. 

Hiểu cảnh đơn thân nuôi con, bà lão xóm trên thương tình truyền cho mẹ tôi nghề nấu xôi khúc đã có “thương hiệu” gần 30 năm. Cuộc sống của hai mẹ con bà mấy chục năm qua cũng nhờ gánh xôi này nhưng cách đây 5 năm con gái bà theo chồng về quê lập nghiệp bằng nghề cạo mủ cao su, bà sợ quán xôi “đứt gánh” nên cứ tần tảo sớm hôm giữ nghề. Nay thương tình mẹ tôi vẫn chưa có “vốn giắt lưng” để nuôi con, hơn hết là mong gánh xôi được tiếp nối nên bà đã truyền nghề cho mẹ tôi. Như “chết đuối vớ được phao”, mẹ tôi biết ơn bà nhiều lắm. Thế là tối nào anh em tôi cũng sang nhà bà ngủ để mẹ học cách nấu xôi, sáng ra mẹ đi bán, còn chúng tôi ở nhà với bà. Đến trưa hết hàng, mẹ con tôi lại bồng bế nhau về nhà. 

5 năm sau, bà khuất núi. Mẹ tôi vẫn cứ cần mẫn, tâm huyết với từng gánh xôi do bà để lại. Trời không phụ công người, xôi mẹ tôi nấu mọi người khen ngon, đúng vị của bà nên vẫn giữ được mối.

Thấm thoắt đã gần hai chục năm trôi qua, nay tôi đã là thầy giáo dạy học ở một trường cấp ba ngay phố huyện, cách nhà chừng 10km. Em trai tôi đi học nghề và cũng tìm được việc làm ổn định ở đất Sài thành. Mẹ vẫn nấu xôi, chỉ khác là không còn đi bán rong mà tôi đã thuê mảnh đất cạnh trường học và dựng quán nhỏ cho mẹ. Giờ đây kinh tế cũng chưa khá giả nhưng tôi có thể lo cho mẹ cuộc sống an nhàn, không phải lo nghĩ cơm, áo, gạo, tiền. Mấy chục năm trôi qua, đôi vai mẹ đã oằn, tôi khuyên bà nghỉ làm để dưỡng già nhưng mẹ nói còn sức còn làm, ngồi không sẽ buồn chân tay thành ra yếu đi. Mẹ còn bảo rằng, mẹ làm để chờ xem mai này con dâu có muốn nối nghiệp không, chứ gánh xôi là gan ruột cả đời và cũng là mối nặng ân tình, bỏ đi sao đành.

Ngày bà mất, mẹ tôi xin con gái bà được mang di ảnh về thờ cúng. Bởi từ lâu mẹ tôi đã coi bà như người mẹ thứ 2. Cũng nhờ có bà, mẹ tôi mới có nghị lực và lận được cái nghề để nuôi sống ba mẹ con, cho anh em tôi được học hành tử tế. Mỗi lần thắp nhang nhìn lên di ảnh, mẹ tôi lại không dứt khỏi ánh mắt của bà như nhắn nhủ rằng hãy giữ lấy gánh xôi. 

Không biết có phải do trời thương mà tôi quen được cô gái làm thợ may cho xí nghiệp ở đầu huyện. Hoàn cảnh gia đình tương đồng nên cả hai đều có sự đồng cảm. Nửa năm sau, chúng tôi nên duyên vợ chồng. Ngày đón dâu, mẹ tôi mừng ra mặt và vui hơn khi vợ tôi có nhã ý muốn nối nghiệp của bà. Sẵn có thương hiệu xôi khúc của mẹ, tôi đầu tư xây hẳn một quán bán hàng khang trang, sạch đẹp cho vợ “hành nghề” và khách đến mỗi ngày một đông. “Gánh xôi gan ruột” vẫn sẽ được tiếp nối và mẹ tôi đã mỉm cười khi nhìn lên di ảnh của bà.

Nam Khánh

Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu