Thứ 4, 01/05/2024 22:20:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị

Hình minh họa - Thiếu nữ gánh mùa xuân

Xuân trên những đôi quang gánh

19:8:20 - 1/2/2024

Không đâu như ở Việt Nam, mùa xuân đến từ rất nhiều khung cảnh khác nhau: Mộc mạc làng quê đến chốn thị thành náo nhiệt... đâu đâu mùa xuân cũng hiển hiện với nhiều hình ảnh vừa gần gũi thân thuộc, lại vô cùng duyên dáng nên thơ. Với riêng tôi, tết đẹp nhất vẫn là hình ảnh các bà, các mẹ gánh cả mùa xuân trên những đôi quang gánh tảo tần...

Tôi vô cùng ấn tượng với bức tranh chợ tết trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Đoàn Văn Cừ cách đây tròn 80 năm. Bằng sự quan sát tinh tế, nhà thơ đã thu nhỏ lễ hội tết cổ truyền với sắc màu tươi vui, rực rỡ, ở đó, nhân vật trung tâm là con người “tưng bừng ra chợ tết” hiện ra một cách thật gần gũi, thân thuộc làm sao. Trong bức tranh tết vô cùng sinh động: Những con đường quê “viền trắng” mép đồi xanh ôm ấp những nóc nhà đơn sơ, bình dị.

 “Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa 

Tia nắng tía nhảy hoài trong ruộng lúa 

Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh 

Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh”…  

Và thật ấn tượng làm sao khi những đôi quang gánh mùa xuân, dẫu có phần tất bật, lam lũ vẫn rất có sức nặng trong bức tranh tết đầy sinh động ấy. Tôi bắt gặp hình ảnh “Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu”, “Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ” hoặc những cô gái quê e thẹn, dịu dàng quảy gánh “Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha - thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết”. 

Bâng khuâng với cảnh sắc tết trong thơ, tôi vội sà vào gánh “đặc sản” tết của cụ Lanh - cụ bà buôn gánh, bán bưng trên một góc nhỏ chợ Đồng Xoài. Cụ cười móm mém lý giải: không có tiền thuê mặt bằng nên tất cả những gì bán đều đặt gọn trong đôi quang gánh này thôi, quản lý chợ có “thổi còi” nhắc nhở thì vèo một cái, cụ đã di chuyển sang nơi khác. “Mà cũng lạ, cụ bán hàng trên đôi triêng gióng (cách gọi khác của quang gánh) này rất mau hết hàng cháu ạ, nhiều người ghé mua, phần họ ủng hộ bà già, phần họ hoài niệm cái gánh hàng của người thân mà bây giờ hiếm thấy vì siêu thị, cửa hàng tiện dụng mọc lên khắp nơi rồi”, cụ Lanh bùi ngùi nói. 

Nhìn cụ Lanh, tôi chợt nhớ một xuân đã xa, lúc đó, má tôi cũng đã phải gánh mấy chục gánh gạch từ công trường về nhà kho hợp tác xã để kiếm tiền mua quà tết cho bầy con 7 đứa. Chiếc áo sờn vai, đôi quang mòn tao gióng, còn chiếc đòn gánh nhẵn thín đi vì oằn nặng trên đôi vai gầy chai sạn của má. “Má mệt chứ, nhưng hồi đó khổ, không gánh gạch thì lấy đâu quà tết cho mấy đứa, đói cũng ngày tết - hết cũng ngày mùa, mà mình nghèo không có tiền mua cân thịt, đòn bánh tét cho con, má không đành, cực chút cũng được”, má tôi cười hiền lành. Tôi chợt nghĩ, đất nước mình có bao nhiêu người mẹ như má tôi, như bà cụ Lanh - tảo tần, chịu khó, chịu thương nuôi con lớn khôn trên những đôi quang gánh! Và có biết bao người bay cao, bay xa nhờ vào gánh nặng còng lưng của những người mẹ Việt! Tôi chắc rằng, đôi quang gánh ấy vẫn in hằn trong ký ức của nhiều người!

Thật lạ là giữa dòng người đông đúc, hối hả với những ngày tết rộn ràng, tất bật, người ta di chuyển bằng xe hơi, xe máy hiện đại của thời công nghiệp 4.0, vẫn còn đó những đôi quanh gánh kẽo kẹt cùng dòng thời gian biến thiên trong nhịp sống hiện đại. Nếu khó tìm thấy mùa xuân trên những đôi quang gánh giữa thị thành náo nhiệt, thì xin thong dong dạo bước về các chợ quê, nơi không khí vui tươi, nhộn nhịp, sinh động thân quen của một phiên chợ tết hiện ra rõ nhất. Ở đó, người ta gánh cả mùa xuân với vô vàn sản vật để trao đổi cho nhau, hồ hởi, râm ran chuyện trò với tất cả niềm hân hoan, phấn khởi. Cứ như vậy, đôi quang gánh của các bà, các mẹ không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyển hàng hóa, cung cấp sản vật tết cho mọi gia đình mà còn gánh theo biết bao kỳ vọng, ước mơ những ngày tết no đủ, an lành.

H.C - Xuân Giáp Thìn 2024

Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu