Thứ 5, 02/05/2024 00:48:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị


Tết trong tôi…

21:50:38 - 1/2/2024

Xuân xuân ơi xuân đã về/ Có nỗi vui nào vui hơn ngày xuân đến/ Xuân xuân ơi xuân đã về/ Tiếng chúc giao thừa chào đón mùa xuân”… 

Khi những ca từ trong bài hát “Mùa xuân ơi” của nhạc sĩ Ngọc Thiện vang lên đâu đó khắp nẻo đường, góc phố cũng là lúc tết đến, xuân về. Tết là dịp để người người, nhà nhà sum họp bên nhau, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới. Thế nhưng, cuộc sống hiện đại dần thay đổi thì cách ăn tết của người Việt cũng có những đổi thay... Nhiều ý kiến cho rằng, càng hiện đại thì càng mất tết, vậy tết Việt có thực sự đang mất dần hay trong chính suy nghĩ của mỗi chúng ta đang làm cho tết “nhạt” đi? 

Khi nhắc đến tết, mọi người sẽ nhớ đến điều gì? Với tôi, nhắc đến tết là nhớ đến những thanh âm và hương vị truyền thống của ngày tết. Đó là thanh âm tấp nập của phố phường, là âm thanh ồn ào, nhộn nhịp của những phiên chợ tết khi đủ thứ hàng hóa bắt mắt được bày bán, tiếng nói cười, chào hàng của kẻ bán - người mua rôm cả một khu chợ… Đó còn là tiếng nổ lép bép của củi, tiếng sôi sùng sục của nồi bánh chưng. Rồi tiếng của lũ trẻ chạy khắp xóm cười đùa, tíu tít khoe nhau những bộ quần áo mới được ba mẹ mua cho để đón tết. Và đặc biệt hơn cả đó là âm thanh của những tràng pháo hoa vào lúc giao thừa. Hòa trong thanh âm của pháo hoa là tiếng mọi người chúc nhau năm mới bình an, may mắn. 

Còn về hương vị tết thì sao, với tôi hương vị ấy ẩn mình trong mùi thơm nồng của khói củi, của nồi bánh chưng, là mùi thơm của bánh mứt, của những món ăn được chuẩn bị chu đáo cho bữa cơm chiều tất niên. Đó còn là mùi của hoa đào, hoa mai mới nở. Mùi của khói pháo… 

Nhưng có lẽ, hương vị đem đến cho tôi nồng nàn cảm xúc nhất chính là “hương vị” của sum vầy, của tình người và sự yêu thương. Và khi cả 2 yếu tố đó kết hợp với nhau tạo thành dư vị tết không thể nào quên. Đó là khung cảnh ấm áp khi tất cả mọi người cùng ngồi chung lại xung quanh nồi bánh chưng, cùng nhau nói cười vui vẻ và háo hức chờ đón khoảnh khắc giao thừa, để được lì xì và cùng cả nhà đi hái lộc đầu năm.

Tết xưa thật đẹp! Nó là một nét đẹp văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc và bằng chứng cho đến hôm nay, khi chúng ta hỏi một đứa trẻ thì nó vẫn biết đến tết, vẫn mong muốn đến ngày tết, vẫn nghĩ về chiếc bánh chưng, bánh tét, về những phong bao lì xì hay thậm chí là những du học sinh, Việt kiều sống ở nước ngoài, những người con làm việc hay công tác xa nhà vẫn cố gắng từng phút, từng giây để được về nhà đón tết cùng gia đình, nếu không thì cũng tự bày biện cho mình một không khí tết giống ở quê nhà. 

Với tôi, xưa hay nay thì giá trị của tết cổ truyền vẫn không thay đổi, vẫn mặn nồng, ấm áp và đong đầy yêu thương. Hay nói đơn giản, tết vẫn vậy, đượm hay không là do suy nghĩ của mỗi người. Đó là cách chúng ta đón tết, cách chúng ta trải nghiệm về những ngày tết, nghĩ về tết, về những người chúng ta đã gặp, nơi chúng ta đến… trong những ngày tết. Với nhiều người, tết đơn giản chỉ là dịp để trở về với gia đình, người thân, tận hưởng không khí đầm ấm, chia sẻ cho nhau những vất vả, thành công, vui buồn… trong một năm mưu sinh. Vậy nên hãy yêu tết như cách mà chúng ta từng yêu.

Mỹ Duyên

Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu