Thứ 4, 01/05/2024 20:35:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị

Ảnh minh họa

Thương nhớ bông điều

15:22:55 - 25/1/2024

BPO - Cảm nhận mùa xuân đến ở Bình Phước rất dễ dàng - đó là khi những vườn điều bung ra những chùm bông chi chít, từ thành thị đến nông thôn, đi đâu ánh mắt cũng đều chạm được vào bông điều. Không nhuận sắc, không nhuận hương, nhưng bông điều đã trở thành nỗi nhớ nhung của người xa quê, nỗi mong ngóng của người nông dân. 

Những đứa trẻ tinh nghịch luôn tìm ra trò chơi mới khi trò cũ đã không còn đem lại tiếng cười. Ở vùng nông thôn những năm 1980, 1990, trẻ con không có gì để tiêu khiển trong độ tuổi hiếu động, nên bằng mọi cách phải nghĩ ra trò để chơi từ mọi thứ xung quanh mình.  

Một chiếc tàu lá chuối đang tươi xanh mơn mởn chỉ một thao tác đã trở thành xe kéo cho bọn trẻ. Thế nhưng có vẻ xe kéo bằng lá chuối không chơi được bao lâu vì chỉ kéo vài mét đã tơi tả, thế là bẹ chuối được lột ra khỏi thân trở thành xe kéo mới, êm hơn. Bọn trẻ thay phiên đứa ngồi, đứa kéo dọc đường làng, đến khi quần áo mỗi đứa đều lấm lem nhựa chuối, vết bẩn mới thôi. 

Những vườn bắp đang trổ cờ trắng nhìn đẹp mắt đến vậy, song với đám trẻ đó là dụng cụ cho trò chơi mới bắt đầu. Những buổi trưa khi người lớn nghỉ ngơi, bọn trẻ lẻn sâu vào vườn bắp, bẻ những bông cờ còn đang rung rinh phấn đem về làm vương miện. Lúc đó không được tiếp cận phim ảnh, chỉ nhìn hình ảnh vương miện đâu đó trên những tờ báo được mua về trang trí trên tường nhà, kết hợp trí tưởng tượng, cả đám con gái, con trai đều kết bông cờ bắp thành vương miện của vua và hoàng hậu. Vậy là trong vườn điều có cả một cung điện nguy nga được dựng lên bằng thân cây mì và lá chuối. Trong đám đông, đứa giỏi bày trò thì được làm vua, đứa nào quần áo tươm tất nhất được làm hoàng hậu, còn lại là tùy tùng, hầu lính, cung nữ…

Ở nông thôn lúc bấy giờ nhà nào cũng sở hữu vườn điều đi mỏi chân chưa hết. Những gốc điều to một vòng ôm của đứa trẻ lên 7, lên 8, nhưng hình dáng cây thường không thẳng, cứ quá đầu người lại chẻ thành đôi, thành ba nhánh. Đám trẻ con rất thích những cây chạc đôi, chạc ba vì dễ leo trèo, thích thì ngồi chơi, nói chuyện trên cây cả giờ đồng hồ mà không sợ mất thăng bằng.

Nếu chỉ dừng lại ở chuyện ngồi chơi, kể những câu chuyện không đầu không cuối của đám trẻ con thì đó chưa phải là tuổi trẻ trâu. Trong trí nhớ mong manh tuổi nhỏ, lúc chưa biết gì về các mùa trong năm thì tôi nhận ra rằng, khi điều bắt đầu trổ bông cũng là lúc tết đến.

Tôi thuộc tính cách mềm yếu, sau này mới nghiệm ra mình thuộc dạng đa sầu, đa cảm. Khi đám trẻ trong xóm trèo lên những cây điều bông nở nhiều nhất, đẹp nhất để ngắt những chùm hoa còn chúm chím chuẩn bị cho trò chơi mới thì tôi lại thấy mủi lòng - đúng cái cảm giác khi nhìn những ngọn cờ bắp bị bẻ ngang. Phần vì tôi thấy tiêng tiếc cho vẻ đẹp của hoa, mới đó còn tươi xinh, rung rinh trong gió, kiêu hãnh dưới ánh nắng mặt trời, phút chốc đã héo khô, bị đám trẻ chơi chán quăng la liệt dưới mặt đất, phần vừa thảng thốt nghĩ đến chuyện ngắt hoa thì làm sao có quả điều để thu hoạch! Mặc dù đám trẻ chỉ nghịch ngợm những bông điều ở tầng thấp, nhưng bông điều nhiều hay ít là công lao chăm sóc của một gia đình nào đó…

Cuộc sống của người dân trong xóm chỉ dựa vào cây điều. Niềm hy vọng mùa vụ của nhiều gia đình chỉ dồn vào việc năm nay bông điều có “sáng” hay không! Cứ năm nào quan sát thấy bông sai, nở đẹp thì nhà nhà hoan hỉ sắm sanh cho ngày tết, còn nhìn những bông điều thưa thớt, hay gặp mưa, sương muối khô đen thì coi như ăn tết không thể vui. 

… Bao mùa mưa nắng đi qua, cây điều vẫn bền bỉ đồng hành cùng người nông dân Bình Phước, mang lại cho bà con cuộc sống ấm no hơn. Trở về nhà trong những ngày cuối năm, hít hà hương điều trong một buổi sáng se lạnh, sẽ cảm nhận rất rõ mùa xuân đang đến xung quanh mình. Dẫu hương không nồng nàn, bông không sắc thắm, nhưng nếu đã sinh ra và lớn lên cùng với cây điều thì không ai có thể quên mùi hoa đó, cũng như những cảm xúc trái ngược mà mỗi mùa điều đem lại. 

Như tôi, mãi đến bây giờ vẫn không quên những xúc cảm thương nhớ bông điều!

Di An


Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu