Thứ 5, 02/05/2024 05:17:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị

Ảnh minh họa

Chậm lại để yêu thương

17:47:27 - 31/3/2024

Lần cuối bạn nói lời yêu thương là khi nào? Câu hỏi nhẹ tênh nhưng làm tôi thấy vô cùng nặng nề, bởi không biết đã bao lâu rồi mình chưa nói ra một lời yêu thương.

Cuộc sống bộn bề, xoay vần, đến cả cười với tôi hay với những người đang ngồi xung quanh tôi trong lớp học chữa lành là điều mà ai cũng phải cố gặng hỏi trí nhớ của mình xem “lâu chưa”, “đó là khi nào”… nhưng vẫn không nhớ ra được.

Đến khi thảng thốt định vị lại thì đã hơn 10 năm về trước, lúc đó tôi cũng là người hay cười, không cần phải cười với người thân, người quen, mà là cười vì một hành động đẹp, cười vì một ánh mắt biết ơn, thậm chí cười khi băng qua đường không may va phải người khác. Lúc đó vì nụ cười mà hóa giải chuyện lớn thành nhỏ. Và mọi việc cũng nhẹ nhàng qua đi.

Lúc đó, tôi cũng hay chia sẻ với người thân về những vui, buồn trong cuộc sống gia đình, công việc, thậm chí tỏ rõ thái độ bất bình với một hành động không đúng. Ấy vậy mà giờ đây tôi lại trở thành người dửng dưng với rất nhiều chuyện. Người ta nói khi đến một độ tuổi nhất định thì mọi việc xảy ra đều thấy bình thường, nhưng bình thường đến mức dửng dưng, quay lưng, mặc kệ là sự vô cảm. Điều gì đã đẩy tôi và nhiều người xung quanh tôi lựa chọn một cuộc sống bàng quan và thờ ơ đến vậy? Tôi đau đáu đi tìm câu trả lời cho chính mình trong lớp học chữa lành.

Hóa ra không phải chỉ có mình tôi tự vấn như thế. Cũng không phải chỉ mình tôi tự kiểm điểm lại bản thân: lần cuối mình nói lời yêu thương là khi nào? Tôi mơ hồ nhận ra, sự vô cảm của tôi không hẳn chỉ đến từ sự ồn ã của nhịp sống hiện đại, của thời đại số đẩy con người ta dần xa nhau, mà còn từ sự chênh chao bởi những đổ vỡ của các mối quan hệ. Để rồi, sự bàng quan vô cảm đẩy tôi đến không biết nói lời yêu thương, cho rằng mọi sự việc là hiển nhiên. Những mối quan hệ trong gia đình chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm, với người ngoài, đồng nghiệp thậm chí không cần xã giao, làm xong việc của mình là hoàn thành nhiệm vụ, sợ mất thời gian khi nói thêm vài câu. 

Cứ như vậy cho đến bây giờ, tôi đã không còn hứng thú với bất kỳ chuyện gì, bất kỳ ai và tệ hơn là không còn biết cảm giác yêu thương từ sự rung động của con tim. 

Trong đêm khuya, tiếng đứa con nhỏ ngái ngủ trong vô thức “Mẹ yêu ơi!” và vòng tay bé xíu ôm ngang người làm tôi tỉnh ngủ. Câu nũng nịu của con khiến tôi ngẩn người không biết nói gì. Tôi bất giác ôm con vào lòng, nhưng tiếng đáp trả chỉ mình tôi nghe được. Tôi đã tự trách mình nhiều ngày sau đó và bàng hoàng nhận ra lẽ nào ngay với con mình, tôi cũng quên mất lời yêu thương. 

Thói quen của con người hình thành trong 21 ngày, nếu bạn vượt qua được số ngày này thì bạn sẽ thành công. Tôi đã học được từ lớp học chữa lành như vậy và quyết tâm thay đổi, bắt đầu ngay chính gia đình mình. Mỗi ngày tôi sẽ nói lời yêu thương với đứa con bé bỏng của tôi. Mỗi ngày tôi sẽ cười ít nhất một lần với những điều ý nghĩa, thú vị. 

Trong thời đại số tưởng chừng dễ dàng kết nối nhưng lại rất đỗi cô đơn, nhiều người chúng ta thay vì tìm cách tự "sạc pin" cho chính mình mỗi khi cạn kiệt năng lượng hoặc tự cân bằng bản thân trước những biến cố, thì lại trốn chạy. Trong khi đó, sống khỏe mỗi ngày, sống ý nghĩa mỗi ngày không phải là điều gì quá khó khăn - chỉ cần chúng ta mở lòng. Chỉ cần mở rộng tấm lòng yêu thương và đón nhận yêu thương, mọi sự chai sạn sẽ mòn đi trong mỗi khoảnh khắc. Tất cả chỉ còn lại những lời yêu thương chân thành…

Di An


Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


Di An
  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu