Thứ 6, 10/05/2024 07:15:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Đưa NQ vào cuộc sống 09:29, 26/03/2021 GMT+7

ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG

Đổi mới phương thức lãnh đạo,…

Diệp Viên
Thứ 6, 26/03/2021 | 09:29:00 1,940 lượt xem
BPO - Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ 2021-2026 và những năm tiếp theo. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên được Đảng khẳng định là: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Như vậy, ở nhiệm vụ đầu tiên này được hợp thành bởi 6 thành tố, gồm: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng…; Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn,…; Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng,…; Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp,…; Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng,… Trong 6 thành tố này có nội hàm hoàn toàn khác nhau nhưng lại có mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau và không thể tách rời nhau. Đặc biệt, có thành tố là động lực, là nền tảng, là đòn bẩy và định hướng để thành tố khác phát triển nhanh và bền vững. Thậm chí, có thành tố mang ý nghĩa quyết định đến hiệu quả thực thi của thành tố khác. Và điều quan trọng nhất là 6 thành tố này kết hợp với nhau tạo thành nhiệm vụ thứ nhất trong 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Tuy nhiên, trong phạm vi của bài viết này xin chỉ đề cập đến thành tố thứ hai trong nhiệm vụ thứ nhất, đó là: Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Với nội dung nêu trên, Nghị quyết của Đại hội XIII vừa nhấn mạnh sự thống nhất nhưng vừa nhấn mạnh sự khác biệt giữa vai trò lãnh đạo và vai trò cầm quyền của Đảng. Về điều này, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”… Và trong thực tế, Đảng ta vừa là lực lượng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc ngay từ khi mới ra đời từ năm 1930. Đồng thời là Đảng cầm quyền từ khi dân tộc ta giành được chính quyền vào năm 1945.

Và đặc biệt, Đảng ta là Đảng duy nhất cầm quyền, một Đảng duy nhất tồn tại ở đất nước ta, do nhân dân lựa chọn. Chính vì lịch sử đã trao trọng trách này cho Đảng thì Đảng phải xây dựng và hoàn thiện mình để thực hiện cả 2 vai trò quan trọng: Vừa lãnh đạo vừa cầm quyền trong một hoàn cảnh rất đặc thù như Việt Nam. Tuy nhiên, ở đây cần phải khẳng định rõ vấn đề là Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền là 2 phạm trù rõ ràng, riêng biệt và không lẫn lộn. Nói rõ hơn là Đảng lãnh đạo nhưng không bao biện, không làm thay hệ thống chính quyền nhà nước các cấp. Đảng lãnh đạo bằng điều lệ, cương lĩnh, đường lối, nghị quyết; đồng thời, Đảng còn lãnh đạo thông qua việc giám sát, kiểm tra và đặc biệt là lãnh đạo bằng hình thức nêu gương. Còn Đảng cầm quyền là thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên và các cơ quan, tổ chức với tên gọi chung là hệ thống chính trị.

Cũng với nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu này, tại Đại hội lần thứ XII, Đảng đã khẳng định: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”… Tuy nhiên, đến Đại hội XIII, Đảng ta đã bổ sung và lại đề ra một trong những nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là: “Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”. Và vấn đề đặt ra ở đây là tại sao Đảng lại đề ra nhiệm vụ nêu trên vào thời điểm này? Trước hết và trên hết là vì, cuộc sống luôn biến đổi, mọi sự vật, hiện tượng luôn thay đổi và không có gì là bất biến. Hơn nữa, trong văn kiện trình tại Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi toàn Đảng phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, có quyết tâm chính trị cao, dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình, chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống, nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới…

Bên cạnh đó, đất nước ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng và toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Trong khi đó, trên thế giới và khu vực, tình hình tiếp tục diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Đồng thời, chủ trương của Đảng ta là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tuy nhiên, mô hình về nền kinh tế này không có sẵn mà đó là sự sáng tạo của Đảng ta và trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta đã tổng kết thực tiễn để nâng tầm lý luận và đi đến khẳng định tại Đại hội XII là: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN”. Và đặc biệt là những thành tựu to lớn trong quá trình đổi mới đất nước đã chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn và sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta ngày càng sáng tỏ hơn và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Và những phân tích trên đây là lý do để Đảng ta đề ra nhiệm vụ phải đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Như vậy, quan điểm, chủ trương của Đảng về nội dung này đã rõ. Điều quan trọng còn lại là việc đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi hiệu quả nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị như thế nào? Trước hết, trong lãnh đạo không bao biện, không chỉ đạo thay và không làm thay. Còn trong chỉ đạo phải có kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng; đặc biệt là người đứng đầu nói riêng và mỗi cán bộ, đảng viên nói chung phải tiên phong thực hiện “6 dám”: Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách.

  • Từ khóa
121534

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu