Thứ 6, 10/05/2024 09:08:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Đưa NQ vào cuộc sống 10:36, 20/01/2021 GMT+7

Hớn Quản chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ

Thanh Mai
Thứ 4, 20/01/2021 | 10:36:00 1,673 lượt xem
BPO - Hớn Quản có 1.783,49 ha cây hằng năm, chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống. Thực hiện chủ trương của tỉnh, Hớn Quản đã chú trọng thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã đưa định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ vào chương trình đột phá trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 để lãnh đạo thực hiện với nhiều kỳ vọng.

Thực trạng

Ở Hớn Quản, tập quán canh tác phần nhiều sử dụng chế phẩm hóa học, để lại hệ lụy lâu dài về môi sinh. Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn huyện một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ như Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tân Khai (1,25 ha), Công ty nông nghiệp hữu cơ Việt Hà, xã An Khương (8 ha), Khu nông nghiệp công nghệ cao xã Tân Hiệp (490 ha) và một số nông hộ canh tác nông nghiệp công nghệ cao, VietGAP (khoảng 10 ha) ở Tân Quan, Tân Hiệp, Phước An, Thanh An… đang có xu hướng phát triển.

Vi khuẩn quang hợp PSB và men vi sinh (EM) giúp tạo ra sản phẩm sạch ở trang trại của hộ bà Nguyễn Thị Thiêm ở xã Tân Hưng

“Môi trường canh tác hiền hòa với thiên nhiên và người lao động, tôn tạo, bồi bổ dưỡng chất cho đất, nguồn nước. Đó là giá trị cốt lõi, nhân văn, thực tế trước mắt từ phương thức thực hành nông nghiệp hữu cơ tại công ty chúng tôi. Nông trại canh tác đa dạng nhiều loại rau theo phương châm mùa nào thức ấy, đa canh nhằm lợi dụng nguyên lý tương hỗ giữa các loại rau trong hạn chế sâu hại. Nông trại dùng phân xanh, phân trùn quế rất có lợi cho đất. Từ khởi đầu trồng, sâu bệnh hại khá nhiều, phải mất thời gian dài quy hoạch, bồi dưỡng, cải tạo để đất màu mỡ, môi sinh phát triển đa dạng và rau cho năng suất cao như hiện nay” - bà Hà Bích Quyên, Giám đốc Công ty nông nghiệp hữu cơ Việt Hà cho biết.

Để đưa rau từ nông trại vào siêu thị, công ty đã từng bước tiếp cận khách hàng nhằm xây dựng uy tín, tên tuổi. Quá trình chuyển đổi vùng trồng lên Bình Phước (8 ha) phải mất 2 năm nông trại không có sản phẩm bán ra. Đến nay, rau của doanh nghiệp đã có mặt trên kệ các siêu thị, cửa hàng chuyên bán thực phẩm sạch ở TP. Hồ Chí Minh với giá bán bình quân 50 ngàn đồng/kg. Trên diện tích 8 ha, nông trại phủ kín một phần với khoảng 30 loại rau, hoa màu, cây ăn trái, bình quân mỗi ngày cho ra thị trường 500kg rau, quả các loại. Doanh nghiệp định hướng sẽ đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường ra toàn quốc, xúc tiến đăng ký giấy chứng nhận thực phẩm hữu cơ, trong 1-2 năm tới sẽ có sản phẩm xuất khẩu. 

Đi nhiều nơi, học nhiều điều, chứng kiến một số trường hợp “trồng bán - không dám ăn”, bà Nguyễn Thị Thiêm ở ấp Sóc Ruộng, xã Tân Hưng gửi gắm tâm nguyện thay đổi nhận thức của nông dân về sản xuất thực phẩm sạch qua trang trại 17 ha. Đam mê nghiên cứu học hỏi, tìm tòi, cách đây 3 năm bà cho ra đời vi khuẩn quang hợp PSB (còn gọi là khuẩn đỏ). 

Để quang hợp nhiều khuẩn đỏ dùng trong trang trại trồng trọt, chăn nuôi, bà trộn đều hỗn hợp nước, trứng gà đánh tan, nước mắm cổ truyền, bột ngọt hòa với nước cốt khuẩn đỏ do bà tự phân lập, đựng trong thùng sáng màu để ngoài ánh nắng mặt trời. Ngoài góp phần giảm sâu bệnh cho cây, khử khuẩn môi trường và phối trộn thức ăn cho vật nuôi, khuẩn đỏ sau quang hợp còn có chức năng cố định đạm lấy được trong không khí, góp phần giảm lượng đạm bón cây trồng. Trước đó, bà tự nghiên cứu, nhân nuôi thành công chế phẩm EM (tập hợp những vi sinh vật hữu hiệu). EM tạo kháng thể cho đất, hạn chế sâu bệnh, làm sạch môi trường. Ngoài ra, bà từng ứng dụng khuẩn đỏ, EM vào nuôi nghiên cứu 500 con heo hương sạch, hạn chế mùi hôi chuồng trại, kháng bệnh tốt. Bà đã chuyển giao ứng dụng nuôi heo hương cho nhiều hộ có nhu cầu. Bà Thiêm cho biết: “Hiện nay, sản phẩm dùng thuốc hóa học nhiều, muốn tìm sản phẩm nuôi, trồng sạch rất khó; vàng - thau lẫn lộn, làm cho người có tâm huyết mất đi nhiệt huyết. Vì vậy, thông điệp tôi muốn gửi đến người nông dân là hãy nghĩ đến sức khỏe cộng đồng nhiều hơn”.

Giải pháp phát triển

Đó là 2 trong số những  trang trại thực hành nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao ở Hớn Quản. Về lâu dài, đây sẽ là xu hướng tất yếu, là con đường phát triển nông nghiệp bền vững bởi đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, gìn giữ môi trường sống sinh học. 

“Ngoài nguồn lực bền bỉ từ nội tại doanh nghiệp, giải pháp về hoạch định, chính sách chính là “đòn bẩy” hiệu quả giúp nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao vươn xa. Đặc biệt, từng bước tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là hướng đi đúng chủ trương của tỉnh, phù hợp xu thế phát triển và tiến trình hội nhập của nền kinh tế”. 

Phó chủ tịch UBND huyện Hớn Quản Nguyễn Vũ Tiến nhấn mạnh

Những năm gần đây, Hớn Quản đã đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt đã có nhiều hợp tác xã, trong đó có hợp tác xã rau an toàn, hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ được tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất. Các hợp tác xã này có vai trò kết nối nông hộ nhỏ lẻ, hình thành mối liên kết theo chuỗi trong sản xuất, góp phần ổn định đầu ra, khai thác tối đa nguồn lực về vốn, kỹ thuật.

Bà Hà Bích Quyên, Giám đốc Công ty nông nghiệp hữu cơ Việt Hà cho biết thêm: “Về lâu dài, nông trại mong được hợp tác cùng địa phương với vai trò đầu tàu, được kết nối với hộ có đủ tiềm lực, năng lực sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhỏ lẻ để tạo chuỗi liên kết, hình thành khu vực, vùng chuyên về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hợp tác mở rộng, cùng nhau chia sẻ cơ hội”. Như vậy, thêm một vấn đề đặt ra là phải hình thành chuỗi sản xuất liên kết từ hộ đến khu, vùng nông nghiệp hữu cơ, thực hiện khâu chế biến sau thu hoạch, giải quyết bài toán đầu ra, thành lập đơn vị trung gian dẫn dắt chuỗi đến thị trường tiêu dùng. Bên cạnh đó, tập huấn, hội thảo kỹ thuật, dạy nghề làm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ cho nông hộ nhỏ lẻ có nhu cầu. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, đào tạo bởi vấn đề nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay là một bài toán khó đối với các doanh nghiệp. Đồng thời, phải có giải pháp làm thay đổi nhận thức của nông dân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

  • Từ khóa
119092

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu