Thứ 2, 20/05/2024 17:45:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:00, 31/05/2019 GMT+7

Luật cần có chế tài xử lý nghiêm

Thứ 6, 31/05/2019 | 09:00:00 119 lượt xem
BP - Theo quy định tại Điều 8, Bộ luật Lao động năm 2012 về các hành vi bị nghiêm cấm, ở Khoản 2 nêu rõ: Ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc. Như vậy, pháp luật về lao động của nước ta đã quy định hành vi QRTD tại nơi làm việc là hành vi bị nghiêm cấm. Nội quy lao động còn bắt buộc phải quy định nội dung về phòng chống QRTD tại nơi làm việc. Người lao động khi bị QRTD có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không báo trước...

Tuy nhiên, theo báo cáo nghiên cứu về QRTD tại nơi làm việc ở Việt Nam do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện mới đây, phần lớn nạn nhân bị QRTD ở Việt Nam là nữ giới (chiếm 78,2%) và độ tuổi của các nạn nhân này từ 18-30. Ở Bình Phước, tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng với khoảng 4.600 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó phần lớn là lao động làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp tư nhân là nữ với tuổi đời còn rất trẻ thì nguy cơ bị QRTD chắc chắn không nằm ngoài thực trạng chung của cả nước.

Thực tế cho thấy, hiện các quy định pháp luật về QRTD vẫn chưa cụ thể, thiếu tài liệu hướng dẫn trong việc nhận diện hành vi QRTD, làm cho công tác phòng chống và xử lý hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn. Hậu quả là nạn nhân không thể yêu cầu cơ quan hoặc người có thẩm quyền xử lý hay không thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nên không thể tự bảo vệ được mình. Mặt khác, đơn vị sử dụng lao động cũng không xác định được hành vi nào được coi là QRTD để xử lý và cũng rất khó đưa ra các quy định nội bộ về phòng chống QRTD cũng như giải quyết khiếu nại về hành vi này. Còn ngành chức năng không thể xử lý khi có yêu cầu của nạn nhân bị QRTD vì không có căn cứ pháp lý xác định có phải là hành vi QRTD hay không để xử lý theo quy định. Từ đó, tạo khoảng trống gây khó khăn trong việc xử lý các hành vi vi phạm.

Pháp luật cũng chưa quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong việc ngăn ngừa QRTD tại môi trường làm việc của mình, nên họ không có bất cứ sức ép hay động lực nào để triển khai và thi hành đầy đủ chính sách về phòng chống QRTD, cũng như dễ dàng thoái thác trách nhiệm khi xảy ra QRTD tại nơi làm việc. Ngoài ra, pháp luật về lao động cũng chỉ quy định người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị QRTD mà chưa đưa ra bất kỳ cơ chế giải quyết nào để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Từ đó dẫn đến nạn nhân bị QRTD thường chọn giải pháp im lặng.

Vì vậy, với hành vi QRTD, chúng ta không thể chỉ lên án về mặt đạo đức xã hội mà cần có hình phạt thích đáng. Dự án sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012 được trình tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đề cập tới nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vấn đề nhạy cảm và luật hóa các cam kết quốc tế. Điều này cho thấy, quyền lợi và nghĩa vụ của lao động nữ ngày càng được quan tâm. Tuy nhiên, để lao động nữ được làm việc, cống hiến trong một môi trường an toàn, lành mạnh, không phải đối mặt với lo âu trước hành vi QRTD, thì vấn đề nêu trên cần được quy định rõ trong Bộ luật Lao động và cần có chế tài nghiêm khắc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, nhất là với lao động nữ.

Lâm Phương

  • Từ khóa
109114

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu