Thứ 5, 09/05/2024 21:56:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị

Ảnh minh họa

Ngày đầu tiên đi học

9:14:42 - 22/8/2023

BPO - Suốt một tuần, cả nhà Chic bận bịu hơn, có bữa phải ăn cơm muộn, vì… Chic sắp vào lớp một!

Ông ngoại dẫn Chic đi mua đồ chơi để động viên tinh thần, bởi hôm qua Chic nói với ông một cách nghiêm trọng: “Con không biết có nên đi học lớp một hay không!”. Bà ngoại kể chuyện ngày xưa phải tự đến lớp, vì mẹ của bà bận đi làm đồng, không đưa bà đến trường được. Ba của Chic loay hoay sắp xếp góc học tập cho con gái. Còn mẹ thì vừa bọc sách vở, chuẩn bị đồ dùng cần thiết cho ngày khai trường, vừa dặn dò Chic không được nói chuyện riêng, không được nghịch trong giờ học. 

Còn một tuần nữa mới khai giảng năm học, nhưng các bé lớp một phải tới trường để nhận lớp và làm quen với môi trường khác hoàn toàn với bậc học mầm non. Mới 7 giờ 20 phút, những em bé đồng phục trắng với váy hoặc quần sooc kẻ ca rô xinh xắn, tay trong tay ông bà, bố mẹ háo hức hoặc rụt rè bước qua cổng trường. Có bé nhảy chân sáo, vừa đi vừa trò chuyện líu lo. Có bé níu lấy tay mẹ không chịu vào lớp. Có bé òa khóc khi mẹ lẫn vào đám đông phụ huynh đang chen nhau bên hành lang lớp học. 

Khi các bé đã ngồi ngay ngắn, cô giáo bắt đầu điểm danh. Dù tiếng cô đọc khá to, rành rẽ, nhưng chỉ vài bé lên tiếng “Có ạ” như cô hướng dẫn. Cô giáo tiến lại một bé và hỏi:

- Con tên gì?

- Con tên Beo ạ!

- Cô hỏi tên đi học của con cơ?

- Con không biết ạ!

Nhiều vị phụ huynh đang theo dõi con, cháu mình qua cửa sổ phì cười. Tất nhiên, bé biết tên mình, và hẳn sẽ là một cái tên rất hay và ý nghĩa, nhưng vì bối rối nên trả lời “Con không biết ạ!”. Sau màn đối thoại giữa cô giáo và bé, các bà, các mẹ bắt đầu réo gọi tên con, cháu mình: Thỏ ơi, Nhím ơi, Gạo ơi, Ớt ơi, Đô La ơi, Tô Ni ơi…, cô gọi tên thì con đứng lên thưa cô nhé! Ồn ào cả một góc hành lang. 

Nhìn dòng người đang bám quanh các cửa lớp với ánh mắt lo lắng, khích lệ, hồi hộp, có người quay video, chụp ảnh, có người livestream, phát trực tiếp lên Facebook, Zalo rồi nhìn những gương mặt non tơ, ánh mắt ngơ ngác và cả lo sợ từ trong lớp đang cố tìm bà, tìm mẹ của mình, tôi tự hỏi, những ánh mắt bên trong và bên ngoài là nguyên nhân hay hệ quả của nhau!? Thời đói khổ, trẻ em háo hức tới trường, dù xống áo, sách vở thiếu thốn và cái bụng lúc nào cũng đói meo. Xóm tôi có chừng hơn chục đứa trẻ sàn sàn từ 7-10 tuổi, áo nhuốm màu, đầu trần, chân đất, có đứa mũi xanh lè tự rủ nhau đến trường chứ nào có cha mẹ nào đưa đón. Lên cấp 2, chúng tôi phải dậy thật sớm, ôn lại bài cũ trước khi tới trường. Rồi đi giúp hợp tác xã gặt lúa, lao động dọn dẹp sân trường, cuốc đất trồng hoa hoặc đi nhặt ve chai gây quỹ trường, quỹ lớp. Mà đâu chỉ có thế, chúng tôi còn vừa học vừa canh chừng để lao xuống hầm mỗi khi tiếng máy bay Mỹ xé rách bầu trời. Riêng xóm tôi đã có 4 học sinh bị giết hại khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Dù thế, việc học hành chẳng áp lực gì nên đi học thực sự là một quyền lợi mà đứa trẻ nào cũng mong. Có gia đình bảy, tám đứa con thì chỉ một, hai đứa (là con trai) được đi học… Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, chúng tôi đã được thầy, cô chắp cánh ước mơ để mơ ước những điều lớn lao, ước làm phi công, làm nhà văn, nhà du hành vũ trụ!

Giờ thì khác. Mỗi gia đình chỉ có 1-2 con nên mọi sự yêu chiều của ông bà, cha mẹ; sự quan tâm của cộng đồng, xã hội dồn cả vào bé. Thế nên có bé “mặc cả” việc đến trường, việc được điểm 9, điểm 10 hay học sinh giỏi, xuất sắc để có được những “quyền lợi” khác, như mua đồ chơi đắt tiền, đi du lịch, hoặc đơn giản là được xem ti-vi, được chơi games thoải mái… Sẽ có người nói rằng đừng “kéo lùi lịch sử” bằng việc lấy chuyện xưa để so với thời nay. Đúng là như vậy. Nhưng không hiểu sao, nhìn ánh mắt ngơ ngác và lo lắng của Chic, tôi cứ nghĩ, nếu bé một mình bước qua cổng trường để vào lớp học; nếu bé không biết ngoài hành lang kia có bà, có ba mẹ đang dõi theo thì hẳn không có vẻ dớn dác đến tội nghiệp như thế.

Và tôi tự trách mình yêu thương chưa đúng cách!

Thảo Linh


Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu