Thứ 5, 09/05/2024 16:58:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị

Ảnh minh họa

Nhớ nồi cơm cháy ngày xưa…

18:25:44 - 14/5/2023

BPO - Trở lại những năm 1980, thời ấy tuy cuộc sống không quá đầy đủ nhưng lại có vô số món đồ dùng quen thuộc mà bây giờ đã trở nên hiếm lạ. Nào là cái chạn bát cũ, cái đũa cả xới cơm hay hũ đựng mỡ heo... Một trong những món đồ “huyền thoại” ấy, không thể không kể đến chiếc nồi gang nặng trịch dùng để nấu cơm nhưng đong đầy ký ức của bao thế hệ từ ông bà, cha mẹ và đến cả thế hệ 8X, 9X chúng tôi. 

Nhà tôi có một chiếc nồi gang được bố mẹ đem từ Bắc vào Nam. Tôi không biết nó có từ bao giờ, tôi đoán tuổi của nó chắc cũng phải 20-30 năm gì đó. Với gia đình tôi thì nó là chiếc nồi gang “thần thánh”, bởi dùng để nấu cơm rất ngon, đặc biệt là cơm cháy thì phải gọi “cực phẩm”.

Những ngày mất điện, mẹ tôi vẫn thường đem chiếc nồi ấy ra để nấu cơm bằng bếp gas. Khỏi phải nói, đây là khoảng thời gian mấy anh chị em chúng tôi sung sướng nhất, bởi cả nhà sắp được thưởng thức món cơm cháy vàng giòn dưới đáy nồi gang “huyền thoại” của mẹ. Hình ảnh gia đình quây quần bên mâm cơm ấm cúng cùng ánh nến, kèm theo đó là mùi cơm cháy thơm ngon, vàng ruộm lại gợi trong tôi bao ký ức tươi đẹp.

Tôi nhớ ngày tôi còn nhỏ, khi ấy gia đình tôi sống ở quê, một vùng nông thôn nghèo khó, lam lũ. Vào mỗi bữa cơm, mấy anh chị em tôi mong chờ nhất là khi ăn hết phần cơm trắng, mẹ sẽ nắm cho mỗi đứa 1 cục cơm cháy nho nhỏ. Cầm nắm cơm nhâm nhi thưởng thức, đứa nào cũng vui vẻ ăn dè từng miếng. Ngày xưa nấu cơm bằng bếp củi, nồi gang giữ nhiệt tốt nên bữa cơm nào cũng có cháy dày, vàng ruộm, giòn tan. Và cơm cháy muối vừng đã trở thành món ngon thấm đẫm tuổi thơ của chúng tôi. Nhớ nhất vẫn là những ngày mưa phùn gió bấc, cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm canh cà muối mặn, mỗi người cầm một miếng cơm cháy nóng hổi, xuýt xoa thưởng thức như đang ăn sơn hào hải vị. Chúng tôi vừa ăn vừa rôm rả nói chuyện làng trên xóm dưới, rồi có khi chí chóe tranh nhau miếng cơm cháy còn sót lại dưới đáy nồi và rượt đuổi nhau trong tiếng cười giòn giã…

Ngày xưa, cuộc sống khó khăn, lớp cơm cháy xém ở đáy nồi vốn chỉ được dùng khi thiếu cơm ngon hoặc ăn cho vui miệng vào cuối bữa, thì giờ đây món ăn bình dị đó đã trở thành đặc sản chốn thị thành. Nhờ bàn tay khéo léo của các đầu bếp, cơm cháy lại được biến tấu thành những món ăn có hương vị mới lạ, với nhiều thể loại khác nhau, như: cơm cháy kho quẹt, cơm cháy chà bông... kèm theo đó là lớp nước sốt lên bề mặt miếng cơm cháy vô cùng bắt mắt. Thậm chí nhiều nhà hàng còn nấu cơm cháy bằng niêu ăn kèm với thịt kho, cá kho... Chưa cần nếm thử, nhưng trông bên ngoài thôi đã thấy hấp dẫn vô cùng.

Có thể nói dù ở thời đại nào, cơm cháy vẫn luôn mang nét đặc trưng riêng có. Mặc dù “khoác” lên mình nhiều lớp “áo mới”, đa dạng màu sắc và hương vị, song cơm cháy vẫn giữ được “hồn cốt”, sự giòn rụm thơm ngon, dậy mùi khó cưỡng…

Thiện Tâm

Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu