Thứ 5, 09/05/2024 19:42:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị

Ảnh minh họa

Làm gì còn có kiếp sau…

10:32:58 - 10/2/2023

BPO - Mới ra tết được mấy hôm nhà hàng xóm đã nhận tin buồn, bà cụ mẹ anh hàng xóm qua đời ở tuổi 70, độ tuổi không còn trẻ cũng chẳng quá già so với một đời người. Sinh lão bệnh tử vốn là quy luật tự nhiên của cuộc sống, tôi sang chia buồn và nói vài lời an ủi nhưng không biết những lời an ủi của tôi có thật sự cần thiết. 

Tôi gặp bà cụ được vài lần vào những dịp bà tới ở nhà anh con trai. Bà cụ hiền lành và nhỏ bé nhưng lại rất tham công tiếc việc. Cứ lần nào bà tới ở mảnh vườn nhỏ nhà anh hàng xóm lại xanh um những vạt rau đủ loại. Bẵng đi một thời gian không thấy bà loay hoay ngoài vườn nữa, những luống rau cũng như thế mà héo tàn đi trông thật thảm hại. Rồi bỗng một ngày bà cụ lại xuất hiện, vẫn nụ cười hiền vương vết trầu đỏ quạch trên khóe môi, một thói quen khó bỏ của người phụ nữ quê, mặc dù thời buổi này cũng còn rất ít người ăn trầu, bà cụ bảo đã nhai trầu từ thời con gái nên không bỏ được.

Bà cụ như gầy hơn và trong ánh mắt cũng vương vẻ mệt mỏi muộn phiền, sau đó rất lâu tôi mới biết thì ra các con bà nhận chăm sóc mẹ xoay vòng, ở với người này ít hôm người kia ít bữa. Bà có 5 người con cả thảy nên thỉnh thoảng xuất hiện rồi lại vắng mặt ở nhà anh hàng xóm là vì thế. Bà bảo thay đổi chỗ ở liên tục bà cũng không muốn nhưng con cái không có điều kiện, cực chẳng đã mới phải tính nước như vậy.

Rồi như không muốn người hàng xóm là tôi phải thương cảm cho hoàn cảnh của mình, bà lại bảo con cháu chúng nó thương bà lắm, nghe vậy cũng thấy được an ủi ít nhiều. Ấy vậy mà đã không ít lần tôi nghe cả tiếng con trai và con dâu chì chiết bà chỉ vì lỡ tay làm rơi cái chén bể tan tành, hoặc đôi lần dọn dẹp cửa nhà đôi dép, đôi giày của anh chị bị đặt sai vị trí. Đôi lần thăm hỏi, bà bảo mình già rồi không muốn làm phiền con cái, nhưng tay chân cứ lóng ngóng không còn theo ý mình nữa nên đôi khi cơm rơi, nước vãi cũng khiến các con bà khó chịu. Bà bảo có lần bà bệnh không kiểm soát được bài tiết làm ướt nệm khiến con dâu vất vả, bà áy náy lắm nên dù có bị nặng nhẹ thì bà cũng chẳng than phiền nửa câu.

Đám tang bà cụ được tổ chức ở nhà người con thứ hai cách nhà tôi khoảng 10km, vì bà mất khi đang ở cùng người con đó. Tôi sang viếng bà cụ. Đám tang được tổ chức rất linh đình, vòng hoa xếp từ cổng vào đến sát linh cữu. Thì ra người con này là chủ một doanh nghiệp tư nhân, mối quan hệ rộng rãi, những người con còn lại cũng khá tươm tất, trang sức đủ loại không phải khó khăn như bà thường kể. Vợ chồng anh hàng xóm vừa tiếp khách vừa sụt sịt mắt mũi đỏ hoe, tôi đồ rằng mọi người đều tin rằng bà cụ đã rất hạnh phúc với sự phụng dưỡng của con cháu, chứ mấy ai biết rằng mỗi tháng bà cụ lại phải ôm quần áo đến ở với mỗi người con khác nhau để con cái cảm nhận được sự công bằng trong việc chăm sóc mẹ.

Một mẹ nuôi nổi mười con, nhưng mười con không nuôi nổi một mẹ là vậy, cuộc sống này mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, chúng ta không phán xét đánh đồng tất cả. Vì có những người rất yêu thương cha mẹ nhưng hoàn cảnh lại khó khăn nên không thể nào phụng dưỡng tốt được mẹ cha. Nhưng nếu có thể hãy đối xử với những bậc sinh thành bằng tình cảm thân thương nhất, không chỉ riêng với cha mẹ mà với tất cả những người xung quanh, nếu có thể hãy sống thật chan hòa, vì “làm gì còn có kiếp sau, cho nên hãy sống vì nhau kiếp này”.

Lê Thị Nam Phương

Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu