Thứ 2, 20/05/2024 13:53:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị


Trở về

15:46:30 - 17/1/2023

Hôm qua xem chương trình thời sự, tôi thật sự xúc động trước hình ảnh những người Việt ở vùng chiến sự giữa Nga và Ucraina vượt quãng đường hơn 200 km để mua sắm những thực phẩm, vật dụng cần thiết chuẩn bị đón tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Không chỉ vượt quãng đường khá dài, họ còn phải di chuyển qua những cung đường đang diễn ra giao tranh ác liệt chỉ để mua sắm những nguyên liệu tạm đủ cho một mâm cơm tất niên cúng ông bà, tổ tiên theo truyền thống từ ngàn đời nay của người Việt. Lòng tôi se lại khi chợt nghĩ, những người đồng bào của mình rất có thể gặp hiểm nguy, thậm chí có thể mất mạng trên hành trình tìm về cái tết truyền thống, nhưng họ đã bất chấp! Điều gì đã khiến những người Việt ở Rostov, ở Donetsk – nơi giáp ranh với khu vực Donbass, miền Đông Ukraine vẫn hằng ngày diễn ra giao tranh ác liệt liều lĩnh vượt quãng đường dài với bao hiểm nguy đi sắm tết? Ấy là bởi niềm tin thiêng liêng vào sự đoàn viên, may mắn, hạnh phúc của những người Việt xa xứ khi tết đến, xuân về.

Những ngày cuối năm, mở bất cứ kênh sóng nào, vào bất cứ khung giờ nào thì tần suất của những bài ca về mùa xuân, về tết truyền thống lại ngập tràn không gian. Nhiều thương hiệu còn dùng các bài hát ca ngợi mùa xuân làm nhạc nền cho các chương trình quảng cáo. Từ những ca từ dạt dào, sâu lắng như Mùa xuân đầu tiên: “Người mẹ nhìn đàn con nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên...” đến những nốt nhạc da diết như Câu chuyện đầu năm: “Xuân mang niềm tin tới/ Bao la nguồn yêu mới/ Như hoa mai nở phơi phới”. Hay ồn ào như Ngày tết quê em: “Ngày tết đến ta chúc cho nhau/ Một năm thêm sung túc an vui/ Dù đi đâu ai cũng nhớ/ Về chung vui bên gia đình”… thì không gian mở ra trong những bài ca xuân vẫn là cảnh đoàn viên, sum vầy, hạnh phúc.

Tôi sống xa quê nên rất thấu tỏ cái cảm giác bâng khuâng, nhung nhớ gia đình, quê hương khi tết đến, xuân về. Vào thời điểm tết cận kề, từ thành phố Đồng Xoài, khi thấy bước chân ai cũng vội vã hơn; khi tiếng nhạc phát ra từ các cửa hiệu hầu hết là những ca khúc đoàn tụ, sum vầy; khi thấy người người, nhà nhà thu xếp đồ để hồi hương, tôi chỉ muốn đứng bật dậy chạy ngay về bên mẹ và những người thân yêu, ăn bữa cơm gia đình hay đơn thuần chỉ là cùng dọn dẹp, trang trí nhà cửa, cùng đi chợ tết chọn đào, chọn quất. Và trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng vang vang những lời ca mừng xuân mới, tôi sẽ được vui đùa, được sai bảo, được chăm chút cho những người thân của mình trong mùi hương trầm và bầu không khí thiêng liêng của những ngày đầu năm mới.

Không ai có thể định nghĩa một cách rõ ràng nhất hương vị ngày tết là gì. Ấy là bởi với người này, chỉ một màn mưa phùn lây rây đọng trên những chồi non nụ biếc đã bồi hồi nghĩ đến tết. Với người kia chỉ một dáng hình quen quen nơi cuối chợ đã nhớ tới người thân. Chỉ một mùi hương trầm thoang thoảng, một sắc đào đỏ rực trên góc sân nhà ai đó cũng khiến lòng bồn chồn, muốn thật nhanh trở về nơi cố hương. Còn với tôi, tết là tiếng gọi của sự trở về. Người ta có thể vì trăm ngàn lý do để rời xa gia đình, sinh sống ở một miền đất lạ. Cho dù không phải ai cũng có điều kiện để mỗi tết lại trở về quê nhà, nhưng ta có thể trở về bằng muôn ngàn cách. Và cách phổ biến nhất là tạo nên một không khí đầm ấm với những món ăn truyền thống trong căn nhà nhỏ bé của mình. Và tôi đã hiểu, vì sao những người Việt ở Rostov, ở Donetsk và ở vùng chiến sự trên đất Ucraina lại bất chấp hiểm nguy để đi sắm tết.

Thảo Linh 

Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu