Thứ 2, 20/05/2024 12:46:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị

Ảnh minh họa

Cây mùa xuân

10:28:49 - 15/1/2023

Mấy hôm nay thời tiết thật khó chịu, nửa đêm về sáng nếu không kéo mền đến cổ thì phải trằn trọc vì tiết trời se lạnh, ấy vậy mà ngày hôm sau trời nắng như đổ lửa. Cũng chính vì cái nắng gay gắt ấy mà hôm nay tôi chọn con đường tắt để đến chỗ làm. Con đường ấy thực ra không ngắn hơn đường lớn là bao nhưng bù lại hai bên đường là rừng cao su với những tán lá non tơ xanh ngút mắt. Những tán lá non mới trổ không đủ sức làm rợp mát con đường nhưng màu xanh nõn ấy cũng khiến cái nắng như dịu đi rất nhiều. 

Tôi cũng không hiểu vì sao lại yêu cây cao su nhiều đến vậy, chỉ cần đứng giữa rừng cao su bạt ngàn, cảm giác mình như bé lại, như được chở che trong vòng tay yêu thương của mẹ. Với tôi, rừng cao su lúc thay lá xanh non hay khi úa vàng khẳng khiu cành nhánh đều có vẻ đẹp khó cưỡng. Có lẽ tuổi thơ tôi gắn bó với những gốc cao su nhiều hơn bất kỳ trò chơi tuổi nhỏ nào, chúng như trở thành người bạn để tôi tâm sự.

Nghỉ hè, chúng tôi lại rủ nhau đi lượm hạt cao su. Có nhà để dành hạt ươm tum, có nhà thì bán cho các cơ sở thu mua. Nếu siêng năng sau một mùa nhặt hạt, chúng tôi cũng đủ tiền mua sách vở cho năm học kế tiếp. Hạt cao su căng mẩy có màu nâu bóng rất đẹp, đi nhặt một lúc mỏi chân, chúng tôi tụ nhau lại lấy hạt cao su chơi trò ô ăn quan và biết bao trò thú vị khác. Những hạt có hình thù khác biệt thì chúng tôi đều cất giữ xem như báu vật, rồi có khi cất kỹ quá lại quên đi, đến lúc nhớ ra thì đã bị mối mọt đục hư, đành chặc lưỡi tiếc rẻ.

Tôi đã cùng với cây cao su lớn lên như thế! Sau 5 năm chăm bón, sang năm thứ 6, cây cao su sẽ cho thu hoạch những dòng nhựa trắng. Còn tôi vẫn chỉ là cô bé lũn cũn, cứ một buổi đi học, một buổi lại phụ giúp cha mẹ chăm sóc vườn cao su. Vui nhất là mùa giáp tết khi tán cao su bắt đầu vàng ối, những chiếc lá vàng đầu tiên rơi xuống là lúc lũ học trò chúng tôi vừa chạy vừa hứng, đuổi bắt lá cao su theo từng cơn gió. Lá vàng rơi xuống để cây chuẩn bị nghỉ ngơi nuôi những mầm non xanh biếc đâm chồi. Càng cận tết lá rụng càng dày và chúng tôi cùng cha mẹ quét vun thành từng luống để đốt vừa làm phân bón gốc vừa ngăn ngừa hỏa hoạn. 

Theo vòng quay của năm tháng, chúng tôi lớn lên và cây cao su cũng già đi. Tuổi thọ của cây cao su khá cao, hết thời gian thu hoạch, người ta thanh lý cây để trồng những lứa mới. Cuộc sống càng hiện đại, nhiều công trình, xí nghiệp mọc lên, những vườn cây dần nhường chỗ cho ngành công nghiệp. Tuy nhiên, khi chứng kiến những hàng cây gắn bó với cả tuổi thơ của mình bị đốn bỏ, tôi không tránh khỏi phút chạnh lòng. Đó không chỉ đơn thuần là những hàng cây, đó còn là bạn, là cả tuổi thơ đầu trần chân đất của những đứa trẻ lấm lem chúng tôi. 

Thỉnh thoảng tôi vẫn tìm về khoảnh khắc bình yên của tuổi thơ bằng cách đi vào con đường tắt này, để tận hưởng cảm giác được ôm ấp trong vòng tay của rừng cây như thời thơ ấu và lắng nghe sự bình yên, êm ả tràn về. Một mùa xuân mới lại về, những chiếc lá non xanh sẽ vươn mình thay cho tán lá già vàng ối. Lúc ấy, chắc hẳn nắng cũng chưa thôi gay gắt, nhưng chỉ cần được nhìn thấy màu xanh ngút mắt bạn sẽ cảm nhận được sự dễ chịu và tươi mới mà cuộc sống này mang lại. Mùa xuân luôn là mùa khởi đầu cho một hành trình mới với nhiều mong đợi, hy vọng. Với mọi người, hoa mai, hoa đào là biểu tượng của mùa xuân, còn với tôi thì khi cây cao su khoác lên mình tấm áo xanh biêng biếc chính là lúc mùa xuân mới tràn về.

Lê Thị Nam Phương


Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu