Thứ 2, 20/05/2024 10:33:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị


Tản mạn ngày Xuân: Ngày "giẫy cỏ mả" tết xưa...

10:27:4 - 13/1/2023

"Giẫy cỏ mả" là cách gọi nôm na mà người miền Nam thường gọi cho việc tảo mộ ngày cuối năm, hay cách gọi của người miền Bắc là Chạp mả... Và việc làm này thường diễn ra từ những ngày trước rằm tháng Chạp đến sau Tết ông Táo 23 tháng Chạp hàng năm...

... Vào những ngày này, chúng ta thường bắt gặp hình ảnh của nhiều người dân già, trẻ cùng tới lui bên các khu mộ, phần mộ của dòng họ mình để phát dọn, giẫy cỏ vệ sinh quanh mộ hay sơn sửa lại phần mộ để đón Tết.

Đó là những nét đẹp truyền thống mang nhiều ý nghĩa văn hóa sâu sắc cần gìn giữ..

... Từ nhỏ, anh em trong gia đình tôi thường theo ba mẹ đi giẫy cỏ mả mỗi dịp Tết về.

Tôi luôn nhớ, lúc ông Bảy (em của ông nội) còn sống, ông là người chọn ngày giẫy cỏ mả, để bà con dòng họ có dịp gặp nhau, cùng nhau tế lễ, chăm lo cho người đã khuất...

Tảo mộ và sửa sang từ đường ngày tết - Ảnh: Lê Bảo

Cứ vào ngày giỗ nội, dịp gần Tết, ông và các cô, chú ở Sài Gòn về cúng giỗ và cùng bà con trong dòng họ bàn chọn ngày và thường là các ngày nghỉ cuối tuần sao cho có được đông đủ con cháu cùng về để giẫy cỏ mả... Ba tôi lại gọi báo cho tôi và anh em trong nhà nhớ ngày cùng dìa...

Các phần mộ trong dòng họ tôi được chôn cất ở khu nghĩa địa sát sau nhà, nên thường thì từ sáng sớm, ba mẹ đã giao cho anh em tụi tôi đi mua sắm lễ và vác dao, cuốc, chổi... ra sớm ở các phần mộ quét dọn để chuẩn bị tươm tất đồ cúng, như: hoa, nhang đèn; vật phẩm cúng có trái cây, bánh mì, heo quay, gà luộc... và chắc chắn là không thể thiếu bánh tét, bánh chưng, củ kiệu, củ cải và các loại bánh mứt Tết...

Các gia đình trong dòng họ cũng lần lượt tề tựu tham gia, nhưng phần cúng lễ chính bao giờ cũng chờ ông Bảy về đến để thực hiện...

Tôi nhớ, khi cúng lễ trước các phần mộ tổ tiên, bà con trong dòng họ bao giờ ông cũng chỉ cho mọi người biết phần mộ đó là ai, con cháu xưng hô thế nào cho đúng trong các mối quan hệ... Thích nhất là ông kể lại cho con cháu nghe những mẩu chuyện xưa của tổ tiên dòng họ; rồi ông hỏi thăm từng gia đình bà con trong ngày tảo mộ... Ông cũng yêu cầu từng gia đình giới thiệu về những thành viên mới là con cháu có mặt trong ngày tảo mộ để biết vai vế và cách xưng hô sao cho đúng...

Sau lễ cúng và việc sửa sang, chỉnh trang các phần mộ, thường thì ông các thành viên có mặt hôm đó cùng ngồi quây quần bên chỗ đã chuẩn bị sẵn để ăn uống, chuyện trò vui vẻ... Đây cũng là lúc con cháu được nghe thêm nhiều câu chuyện xưa của bà con trong dòng họ, hiểu thêm về văn hóa xưa khá thú vị...

Những năm gần đây, khu nghĩa địa sau nhà được giải tỏa để xây dựng công viên. Các phần mộ ở nơi này đều phải cất bốc, di dời. Những phần mộ của dòng họ tôi cũng được cất bốc, chuyển vào ngôi chùa gần đó... Ba tôi cũng xin được một phần đất nhỏ để xây từ đường và đưa các hài cốt, bài vị của tổ tiên vào thờ cúng...

Những ngày giáp Tết sau đó, ông và con cháu dòng họ tôi không còn tảo mộ như trước nhưng vẫn tề tựu về bên từ đường để cúng lễ và nghe lời dạy bảo, dặn dò của ông...

Ngày ông mất, việc chăm lo từ đường giao lại cho ba tôi... để ông về với tổ tiên, ông bà... để ba tôi và các cô, chú bà con nay lại kể lại những câu chuyện của dòng họ mà lúc sinh thời ông đã từng kể...

Tết đã đến gần, trong những ngày tảo mộ Tết này, tôi nhớ lại ngày giẫy cỏ mả năm xưa, nhớ những chuyện ông kể, nhớ những lời ông dạy... mà khóe mắt cứ rưng rưng...

Lê Thảo

Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu