Thứ 2, 20/05/2024 11:37:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị


Sự sẻ chia

10:1:31 - 20/9/2022

“Mẹ ơi, con nói với mẹ chuyện này, mẹ đừng trách con nhé! Hôm nay ở trên lớp, con đã cho bạn Nhân một quyển vở vì mẹ bạn chưa kịp mua vở cho bạn mẹ ạ”. Con gái sợ chị trách phạt nên rụt rè nhìn chị bằng vẻ hối lỗi, ăn năn. “Không sao đâu con gái! Mẹ rất vui vì con đã biết sẻ chia với bạn”. Nói rồi, chị xoa đầu, nhìn con gái mỉm cười.

Chị tâm đắc với câu đã từng đọc rằng: Khi ta học được cách biết sẻ chia nghĩa là biết sống vì người khác và cũng là lúc ta cảm nhận được niềm vui, cảm thấy cuộc đời thật đáng sống. Hay như Kahlil Gibran đã nói rất đúng rằng: “Người có trái tim rộng mở sẽ luôn bất tử trong trái tim mọi người”.        

Với chị, sẻ chia được hiểu là sự trao đi xuất phát từ trái tim đồng cảm, yêu thương dành cho những người xung quanh mình. Sự sẻ chia không nhất thiết phải là của cải, vật chất, là tiền bạc; sự sẻ chia đơn giản là tinh thần qua ánh mắt, nụ cười; sự cảm thông, lắng nghe; hay vòng ôm, giọt nước mắt đồng cảm,... Sẻ chia là cho đi mà không cần nhận lại, bởi nó bắt nguồn từ việc mong muốn đem hạnh phúc, niềm vui đến cho người khác, khơi dậy niềm tin, niềm lạc quan sống cho người khác trước nghịch cảnh. Nếu người được sẻ chia cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc khi nhận thì đổi lại, người sẻ chia cũng an yên, vui vẻ khi đã làm được việc ý nghĩa.

Khi ta vui vẻ nắm tay một bà cụ và dẫn bà qua đường an toàn giữa dòng xe cộ tấp nập; khi ta đặt vào tay người ăn xin dẫu chỉ là đồng bạc lẻ; khi ta biết chia đôi cái bánh mì đang ăn cho người bạn cạnh bên đang đói; khi ta trao những bộ quần áo cũ cho những người nghèo khó,… là ta đã và đang thực hiện hành động ý nghĩa, ấy là sẻ chia. Ta xót xa, thương cảm khi chứng kiến đồng bào vùng lũ mất đi người thân, nhà cửa, cơ nghiệp,… Trong hoàn cảnh ấy, những trái tim kết nối lại hòa cùng nhịp đập sẻ chia. Với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, làm sao chúng ta có thể làm ngơ trước nỗi đau mất mát của những người cùng chung hai tiếng đồng bào.

Vợ chồng chị có hai cô con gái, đứa lên 5, đứa lên 8 tuổi. Hai chị em chơi với nhau rất thân thiết, ít khi dành đồ chơi với nhau. Hễ một trong hai đứa buồn, tức thì đứa kia liền dỗ dành, cưng nựng. Có khi chúng còn lăng xăng chạy đến cầu cứu mẹ: “Mẹ ơi, chị Bích buồn kìa! Mẹ ôm chị đi!”, “Mẹ ơi, em Ngân hôm nay được điểm tốt kìa! Mẹ khen em đi!”. Khi ăn, khi ngủ, khi học bài,… sự sẻ chia của hai con làm chị thêm ấm lòng. 

Chồng chị khéo tay, hay làm. Sau mỗi giờ lên lớp, anh lại chăm chút cho vườn rau nhỏ xinh bên hông nhà với đủ loại. Rau quả sạch không chỉ đủ ăn, chị còn dành đi cho, biếu hàng xóm. Khi thì bó mồng tơi, khi thì mớ khổ qua, rồi thì đậu đũa, quả mướp, quả bầu,… Con gái lớn cẩn thận đem đi rồi nhảy chân sáo về, miệng cười như hoa, lộ niềm hạnh phúc. Cũng có khi, đem đi cho, con lại khệ nệ bưng rổ về khiến chị tưởng hàng xóm không nhận. Nào ngờ, trong rổ lại là củ khoai, trái bắp luộc hay cái bánh trái được hàng xóm cho mang về. Thấy vậy, chồng chị lại lém lỉnh: “Hạnh phúc nhất là khi được sẻ chia em nhỉ?” .

Bạn gọi điện hỏi chị có đi cùng đoàn vào thăm các em nhỏ mồ côi trong trại trẻ không? Chị mừng lắm. Vậy là suốt cả tối, chị ngồi sắp xếp, phân loại lại quần áo cũ của hai con để dành tặng các em nhỏ mồ côi. Chị còn hỏi mẹ, anh chị, cô dì, bạn bè rồi thì hàng xóm nhằm kêu gọi, kết nối sự sẻ chia của mọi người. Chị nghĩ, con người ta sẽ không thể nào hiểu được giá trị của sự sẻ chia nếu cứ khép chặt cánh cửa trái tim, nếu cứ đút sâu và để im đôi tay trong túi quần. 

Cuộc sống ý nghĩa hơn rất nhiều, hạnh phúc hơn rất nhiều nếu ta biết mở rộng trái tim, giang rộng đôi tay chia sẻ với những ai kém may mắn hơn mình. Hay đơn giản chỉ là cho đi một cái nắm tay, một lời động viên hay một nụ cười ấm áp!

Thu Đình

Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu