Thứ 2, 20/05/2024 12:05:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị


Hồn vía tiếng rao

9:51:41 - 15/9/2022

Thấy tôi dắt xe đi chợ mua cua đồng nấu canh, ông xã hỏi, sao cua bán ngay trước cửa mà phải đi chợ? Tôi trả lời, tại ghét tiếng loa nên em không mua! Thực ra, cua bán trước cửa nhà tôi là loại cua miền Tây, con to nhưng ít thịt, nấu canh lại có mùi hôi nên tôi không mua. Nhưng còn một lý do nữa là từ sau đợt dịch Covid-19, trước cửa nhà tôi hình thành một điểm bán thực phẩm, đủ loại cá, thịt, rau, củ, trái cây. Khó chịu nhất là người chủ sạp cứ mở loa oang oang từ sáng tới chiều: Cua đồng đây, bốn chục ngàn nửa ký; Cua đồng đây… Dù hàng xóm 2 bên cùng khó chịu, nhưng nhìn vẻ mặt chị chủ sạp hàng, chẳng ai dám lên tiếng. 

Nghe tiếng loa rao hàng oang oang trước cửa, chợt nhớ đến cồn cào tiếng rao khê nồng mỗi buổi trưa hè trên những con đường làng óng vàng rơm rạ thời niên thiếu. “Ai hàn xoong hàn nồi, hàn dép đ…ơ…i”, “Lông gà lông vịt bán đ…ơ…i”, “Ai hoạn lợn thiến me đ…ơ…i”... Nhưng với đám trẻ làng Tân Đắc, tiếng rao “thần thánh” nhất, đánh thức tất cả giác quan của chúng tôi là “Kem đ…ê”, “Lông ngan lông vịt, tóc rối đổi kem đ…ê”! Thế là gần như tất cả trẻ con, trai gái, có tiền và không có tiền cùng ào ra vây lấy ông bán kem. Gọi là kem, thực chất chỉ là chút đường pha với phẩm màu, đổ vào khuôn để đông thành đá. Thế nhưng với đám trẻ nông thôn thời ấy, đá lạnh đã là một thứ văn minh, xa xỉ rồi. Nhiều bữa hàng chục đứa trẻ vây quanh, nhưng ông hàng kem chỉ đổi được một que từ lông vịt, vì không đứa nào có tiền. Và đứa trẻ đó đừng hòng ăn que kem một mình. Vừa lấy ra khỏi thùng là nó phải vất vả mới tránh được những cái lưỡi thè dài chỉ chực liếm vào que kem. Nước kem chảy xuống khuỷu tay, một đứa bèn giữ chặt lấy cánh tay nó và liếm ngon lành. 

Chẳng hiểu sao, cũng là tiếng rao mà những tiếng rao khê khê của bà đổi bún, của ông hàn xoong nồi, của chị lông gà lông vịt trong những buổi trưa hè nơi ngôi làng nhỏ ven sông lại thân thương và đọng sâu trong ký ức tôi đến thế. Mà chẳng cần nhìn đồng hồ cũng biết khoảng chín giờ sáng là bà đổi bún, mười một giờ trưa là ông bán kem, muộn hơn một chút là chị lông vịt… Những tiếng rao giống như chiếc đồng hồ sinh học, cứ giờ đó là người ấy tới. Đến độ hôm nào mười một giờ trưa không nghe tiếng rao “Kem đ…ê” là thể nào bọn trẻ cũng hỏi nhau, sao hôm nay không thấy ông bán kem nhỉ? 

Rời quê hương tới vùng đất mới, những tiếng rao qua ngõ của chị hủ tiếu, của anh mỳ Quảng hay bà tào phớ… khiến tôi như gặp lại người quen cũ. Có người là dân gốc Đồng Xoài, nhưng nhiều người từ muôn nẻo quê hương, vì mưu sinh mà chọn Đồng Xoài làm nơi đất lành chim đậu. Tôi hình dung ra những phận đời qua những tiếng rao lúc thánh thót, khi mệt mỏi, lúc lại như hụt hơi. Họ cố gắng bám trụ từng ngày trên những cung đường bụi bặm và ồn ĩ tiếng còi xe để dành dụm những đồng tiền lẻ nhàu nhĩ mồ hôi gửi về gia đình. Rồi không biết tự lúc nào, cuộc sống vắng dần những tiếng rao, như vắng những người bạn thân quen. Thay vào đó là lời rao tua đi tua lại qua băng cassete: “Bánh mỳ đặc ruột thơm bơ, 5 ngàn một ổ”; “Gà thả vườn bao ngon bao rẻ, 60 ngàn một ký”; “Keo dính chuột, thuốc trị hôi nách bao rẻ bao chất lượng”…

Vẫn biết cuộc sống hiện đại, dùng băng cassette sẽ thuận tiện cho kẻ mua người bán, lại không mất sức vì khản cổ rao, nhưng sao tôi thấy thèm nhớ những tiếng rao vang xa của ngày xưa. Những tiếng rao mộc mạc như có hồn có vía, luôn lưu dấu và lay động lòng người.

Thảo Linh

Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu