Thứ 2, 20/05/2024 10:33:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị


Nhớ mùa trăng tháng Tám 

11:37:18 - 9/9/2022


“Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” suốt cả năm trên ruộng đồng tại quê nhà Quảng Ngãi nhưng cũng chẳng đủ để ba má tôi nuôi 5 đứa con thơ dại. Vậy nên, dắt díu 5 đứa con nhỏ, ba má buộc phải rời quê nhà vào Bình Phước lập nghiệp. Nghèo khó là thế, nhưng chưa bao giờ ba má thôi quyết tâm cho những đứa con của mình được đi học đến nơi đến chốn…

5 anh em tôi vì vậy cũng quen với cuộc sống khó khăn, chẳng đứa nào dám đòi hỏi, ăn no đã là vui, có đồ mặc hằng ngày không bị rách đã là hạnh phúc. Vậy nên quần, áo, giày, dép, sách vở, nón… hay bất cứ món đồ nào “mới” cũng khiến chúng tôi có thể thao thức, háo hức trong nhiều ngày, thậm chí là chờ đợi cả tháng để được ướm lên người và ngẩng cao đầu khoe với lũ trẻ trong xóm…

Những ngày cận tết Trung thu là khoảng thời gian mà 5 anh em tôi háo hức chờ ba má mỗi ngày đi làm về. Chẳng phải để nhận được bánh kẹo hay món quà gì quý giá. Cái mà chúng tôi trông đợi là thấy ba má cầm theo những chiếc ống tre với những lóng dài nhất, đẹp nhất bên cạnh cuốc, rựa và những chiếc “càm mèn” cơm… Qua đôi bàn tay thoăn thoắt, ba má chẻ, vuốt, tỉ mẩn biến nó thành từng nan tre trắng, dài, ngắn, tròn, dẹp khác nhau… những vật liệu đầu tiên làm khung cho những chiếc lồng đèn ông sao. Nhưng đến khoản giấy kiếng, giấy màu để trang trí thì lại là vấn đề cần phải tính toán của ba má tôi. Mua bao nhiêu giấy để dán sao cho vừa đủ, để không bỏ phí bất kỳ một mảnh nào và tận dụng thêm giấy vở học sinh đã sử dụng để cắt những đầu tua rua đủ quấn quanh vòng tròn của chiếc lồng đèn… Hồ dán được tạo thành từ bột mì đun, khuấy với nước. Tất cả đều phải tiết kiệm chi phí đến mức tối đa.

Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác háo hức, mong ngóng, dõi theo và anh em tôi luôn hiện diện trong những buổi làm lồng đèn ấy. Thường để “đảm bảo an toàn” cho những tấm giấy màu quý giá, ba má tôi sẽ đảm nhiệm phần ướm, cắt, còn anh chị lớn thì dán. Cuối cùng thì 5 chiếc lồng đèn ông sao cũng được hoàn tất trong sự xuýt xoa, phấn khích của 5 anh em. Không gì có thể diễn tả được cảm giác khi chiếc đèn cầy đầu tiên được gắn và thắp sáng để cho giấy kiếng màu của lồng đèn căng bóng ra. Giữa đêm tối, ánh sáng ấy phát ra đẹp lung linh, rực rỡ và với tuổi thơ tôi, đó là thứ ánh sáng đẹp nhất, không gì có thể so sánh được.

Với 5 anh em tôi và bọn trẻ con trong xóm, mỗi năm, trước rằm trung thu cả tuần, có khi hơn, bữa cơm tối của chúng tôi thường sớm hơn thường lệ, 18 giờ 30 phút là đã bắt đầu rôm rả tiếng nói cười, í ới gọi nhau đi rước đèn… Cả bọn túm tụm đi đầu làng cuối xóm, câu chuyện của bọn trẻ chúng tôi lúc đó chỉ xoay quanh việc so sánh những chiếc lồng đèn to nhỏ, đèn cầy của đứa nào nhiều hơn, lồng đèn đứa nào sáng hơn, lâu tắt hơn…

Bánh trung thu, trống, múa lân, ông địa… thời điểm đó với chúng tôi thật là xa xỉ.

Thêm một mùa trăng rằm tháng 8, tôi vẫn giữ thói quen đi dọc các tuyến đường để tận hưởng hay chỉ để xem trung thu năm nay có gì mới, khác so với thời còn bé. Trung thu của hiện tại thật khác! Lồng đèn các loại, đủ màu sắc được làm sẵn, từ truyền thống cho đến hình dáng ăn theo các nhân vật của phim hoạt hình nổi tiếng thế giới, hay cả những chiếc lồng đèn điện tử tiện dụng. Bánh trung thu cũng được bày bán khắp nơi với đủ thương hiệu, chủng loại… Đêm trung thu, các đoàn múa lân rộn ràng khắp tuyến phố, các cơ quan, sở, ngành tổ chức những buổi tiệc, rước đèn hoành tráng cho các con. Những ánh mắt trong veo, những nụ cười của con trẻ vẫn rạng rỡ. Với các con, những mùa trung thu của hiện tại cũng sẽ là những mùa trung thu đẹp nhất…

 Đã bao lần tôi tự hỏi: Phải chăng vì đã trưởng thành hay vì là người hoài niệm mà tôi vẫn cứ mãi lưu luyến những mùa trung thu xưa cũ, nghèo khó… Những mùa trung thu đẹp nhất và ánh trăng năm nào vẫn là ánh trăng đẹp nhất của đời mình.

Minh Nhật

Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu