Thứ 2, 20/05/2024 15:20:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị

Ảnh minh họa

Yêu thương dẫu cuộc đời trần trụi

10:38:0 - 15/7/2022

BPO - Có lần tôi tham gia một buổi giao lưu mang tên “Yêu thương dẫu cuộc đời trần trụi”, trong lúc đang chờ sắp xếp chỗ ngồi thì hai mẹ con chị bước vào. Họ là những vị khán giả đến sớm nhất buổi giao lưu. Tôi lúc đó đang tranh thủ ăn để kịp vào chương trình. Hai mẹ con đến ngồi cạnh tôi, chị niềm nở nói với con gái: “Cô Trà My kìa con, cô viết sách đó. Cô giỏi lắm đó con”. 

Tôi chào hỏi lại và hỏi thăm thì được biết bé 19 tuổi và đang học cấp 3 tại một trường bên quận 6. Khi nghe tên trường bé đang học, tôi nói mình đã từng được mời về trường đó giao lưu. Nghe xong, người mẹ vội quay lại nói với cô bé: “Vậy là cô My đã từng về trường con giao lưu với các bạn rồi đó”.

Trong tích tắc tự nhiên tôi khựng người lại, cảm giác có gì đó sai sai vì tầm tuổi này sao lại là học sinh cấp 3? Thoáng thấy ánh mắt khác lạ của tôi, chị bỗng giải thích: “Tại cháu bị tự kỷ”. Hơi bối rối và có chút thoáng buồn, nhìn cô gái 19 tuổi, trắng trẻo, mập mạp, xinh xắn, tự nhiên tôi muốn khóc vì thương cảm. Những biểu hiện giao tiếp khác lạ, thậm chí giống một đứa trẻ 5 tuổi hơn là 19 tuổi. 

Tôi cố gắng nuốt cái gì đó đang mắc kẹt trong cảm xúc của mình và sau vài giây để cố gượng cười. Người mẹ đặc biệt ấy lanh trí nhận ra những dòng cảm xúc khác lạ của tôi nên cố gắng nói chuyện để quên đi tâm trạng. Còn cô gái 19 tuổi kia vẫn đang ôm điện thoại, thi thoảng lại vùng vằng hệt đứa bé mẫu giáo nên người mẹ phải hết sức nhỏ nhẹ dỗ dành đầy kiên nhẫn. 

Trong quá trình diễn ra buổi giao lưu, khi tất cả khán giả đều chăm chú lắng nghe thì riêng cô bé kia vẫn ôm điện thoại. Mãi sau này tôi mới biết, đó là giải pháp chữa cháy hiệu quả, bởi nếu không bé sẽ không chịu ngồi yên. Đối với đứa trẻ tự kỷ thì việc ra ngoài giao tiếp với xã hội là điều rất khó khăn. Tôi ngồi trên hàng ghế diễn giả và không hề rời mắt khỏi hai mẹ con họ.

Tự nhiên tôi chợt nghĩ chủ đề “Yêu thương dẫu cuộc đời trần trụi” ngày hôm nay rất hợp với mẹ con họ. Trong mỗi chương trình giao lưu, tôi hay khuyến khích mọi người chia sẻ về câu chuyện của cá nhân mình, hơn là cứ bắt diễn giả trên sân khấu kể về chính bản thân họ. Đến lượt chị ấy chia sẻ, chị đã làm tôi ngạc nhiên đến bật khóc khi nói rằng chị biết ơn chính đứa con của mình đã khiến bản thân chị được thay đổi.

Chị nói rằng, biết ơn con gái đã mang đến cho chị đức tính kiên nhẫn, nguồn năng lượng tích cực mà mỗi ngày chị đều phải học từng chút một. Dành thời gian nuôi dạy một đứa trẻ bình thường đã vất vả thì với một đứa trẻ có những tổn thương về tâm trí là một hành trình chắc sẽ không ngôn từ nào có thể diễn tả được!... Phải có một tình yêu thương vô điều kiện dẫu sự thật cuộc đời có trần trụi đến đâu thì người mẹ kia vẫn đón nhận để được đồng hành với con bằng tâm thái của sự biết ơn.

Những ngày gần đây khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra, tự nhiên hình ảnh hai mẹ con họ luôn hiện về trong tâm trí tôi. Bởi tôi biết dẫu cô bé 19 tuổi kia có kết quả như thế nào thì người mẹ ấy vẫn sẵn sàng đón nhận, không phán xét oán trách và cũng chẳng bao giờ đổ lỗi hay chối bỏ. Thôi thì cứ yêu thương nhau dẫu sự thật cuộc đời có trần trụi đến đâu!

Thế nên, làm cha mẹ bao giờ cũng là một hành trình gian nan nhưng cũng đầy yêu thương nhất.                                                                                         

Trần Trà My

Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu