Thứ 2, 20/05/2024 17:45:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị

Quê cha

13:59:53 - 2/7/2022

Tôi nhớ, đó là một đêm đông mà màu của thời gian đã ngả xám đặc quánh lại, cha ngồi bên bếp lửa hít một hơi thật đầy căng lồng ngực rồi thổi vào đám than cho bung đỏ một nhúm lửa nhỏ. Đôi mắt cha nhìn xa xăm ra khoảng không tưởng như vô định đang trôi qua con ngõ mà sương chùng xuống từ chớm chiều. Cha kể ngày ấy, cha từ vùng trung du lên miền núi để làm kinh tế mới, tìm kiếm cho mình một mảnh đất bình an với mong ước an cư lạc nghiệp. Thế rồi từ chàng trai đồng bằng, cha trở thành người nông dân chính hiệu, cũng cày cấy, lao động sản xuất hăng say miệt mài. Ngày chị cả tôi chào đời, cha đặt tên chị là Diệu Thương, cha nói “Thương này là thương nhớ”. Thương là tên con sông chảy qua quê của cha, nỗi nhớ dài như con sông nặng phù sa vắt ngang qua nỗi nhớ quê nhà.

Trong ký ức của chị em tôi, quê của cha là một nơi rất xa nào đó, có cánh đồng bay thẳng cánh cò thơm dẻo vị mùi mẫn của những hạt lúa vàng đẫm hương lúa mới, có con sông Thương mượt mà như lời câu quan họ đôi bờ bên lở bên bồi đượm chút mằn mặn của vị phù sa để chuẩn bị cho dòng chảy xô về biển lớn. Vị của sông Thương với cha là những buổi tắm sông trưa hè lặn ngụp trong ký ức, là những con cá rô chắc nịch ngọt vị lúc đơm rọ mỗi buổi chăn trâu khi về tà. Mắt cha nheo lại kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng 5, tháng 6 đi quanh những bạt ngàn đồi vải đỏ chót và ngọt lịm, từng cây vải chín đỏ nhìn từ xa như những bông hoa phượng vĩ nở rộ mỗi khi tiếng ve rợp trời.

Ngày đó, nhà ông bà nội nghèo lắm, cha đi bẻ vải thuê để kiếm tiền cho bà mua gạo cho các cô đi học. Mắt cha ngấn lệ, đôi bàn tay siết chặt các ngón vào nhau, vải chín thì ngọt lịm nhưng mồ hôi những ngày hè đi từ vườn này sang đồi vải khác thì mặn chát. Cha xòe đôi bàn tay chai sần vì bẻ từng cuống vải cứng ngắc xoa xoa vào nhau, đôi bàn tay này đã từng có lúc rớm máu - những giọt “mồ hôi đỏ” hòa vào màu đỏ của rừng vải ngày ấy tạo nên cha tôi, một người cha tần tảo, hy sinh và yêu quê hương hết lòng.

Mãi sau này khi chị em tôi lớn hơn, gia đình cũng có điều kiện hơn thì cha đưa chúng tôi về quê. Cha con tôi bỏ xa những dãy núi trùng điệp của bạt ngàn Tây Bắc để đi qua những cánh đồng mẫu lớn của miền trung du, đi qua những thành phố tầng cao mái sát và những phồn hoa tráng lệ. Chúng tôi gặp sông Thương, đi qua những cây cầu cao bắc ngang sông dài, hé cửa kính ôtô chị em tôi thi nhau hít hà vị sóng sông quê hòa lẫn theo gió. Những đồi vải như lời cha kể vào đêm đông xưa cũng từ từ xuất hiện, chẳng hiểu sao tôi cứ nhớ mãi và tưởng tượng ra cha tôi ngày niên thiếu in dấu chân trên khắp những vườn vải đỏ.

Cha ngồi lặng nhìn qua ô cửa, mắt cha rơm rớm màu của hạnh phúc, tôi biết cha nhớ quê, nhớ nơi mình sinh ra và lớn lên. Người đàn ông tóc đã ngả màu muối tiêu, đi qua bao giông bão vất vả của cuộc đời, khi đã trở thành cha, thành trụ cột của gia đình nhưng vẫn rơi những giọt lệ hạnh phúc khi đặt chân về quê. Cha tôi yêu quê và chúng tôi cũng yêu quê của cha vì mảnh đất này cũng chính là cội nguồn của chúng tôi.

Ngọc Huyền

Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu