Thứ 2, 20/05/2024 15:41:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị

Lòng mẹ

9:29:10 - 2/7/2022

“Mẹ tôi được sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Khi mẹ lập gia đình, hoàn cảnh cũng chẳng dễ chịu hơn. Anh em tôi lần lượt ra đời trong cảnh túng quẫn. Khi ruộng nương, ao hồ không còn cua ốc để bắt, mẹ đi lượm ve chai để nuôi anh em tôi ăn học. Chúng tôi lớn lên từ những đồng bạc lẻ đẫm mồ hôi và cả nước mắt của mẹ. Những bữa cơm đạm bạc, mẹ nhường chúng tôi những con cá lòng tong, mẹ chan nước rau vào cơm lua cho qua bữa. Ăn uống kham khổ thế nhưng tất cả việc nặng trong nhà, mẹ đều giành hết. Anh em tôi rất hạnh phúc và thấy mình thật may mắn được làm con của mẹ”.

Đó là một đoạn trong bài văn được điểm Chín của đứa con trai đang học lớp Sáu với lời phê trân trọng của cô giáo: “Lời văn trong sáng, tình cảm chân thành, thể hiện tình yêu sâu sắc đối với người mẹ lam lũ”. Chị quệt giọt nước vừa ứa trên mi mắt và nhìn con đang vừa ăn xúc xích vừa dán mắt vào màn hình tivi. Trong lòng chị dậy lên những cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Chị cảm nhận được tình cảm trong sáng, chân thành qua lời văn của con. Nhưng đó là những câu văn viết về một người mẹ khác, không phải chị!

Chị không biết vì sao mình rơi nước mắt. Niềm tự hào về điểm Chín môn văn của con không khỏa lấp được nỗi ấm ức trong lòng khi biết bao hy sinh lặng thầm mà chị đã dành cho con đã không đủ để nó viết về chị - người mẹ đích thực của nó mà phải đi vay mượn hình ảnh một người mẹ khác. Đã bao đêm chị thức trắng vì chứng khóc đêm của thằng bé. Những đận con phải nằm viện vì sốt cao, vì lồng ruột. Rồi từ một cán bộ có năng lực, chị đã phải nghỉ việc để ở nhà chăm con vì nó cứ oặt ẹo luôn. Chẳng lẽ chừng đó vẫn chưa đủ để nó cảm nhận về chị?

Chị lẳng lặng đến bên con. Thằng bé ôm cổ mẹ phụng phịu: Hôm nay con được điểm Chín môn Văn. Cô còn đọc cho cả lớp nghe bài của con mẹ ạ. Chị xoa đầu con rồi vờ hỏi, nhưng đề bài cô ra là viết về người mẹ thân yêu của mình. Bài văn của con viết về bác Sáu giúp việc nhà mình chứ đâu có viết về mẹ? Thằng bé ngước đôi mắt trong veo nhìn chị và trả lời bằng một loạt câu hỏi ngược. Nhưng viết về mẹ thì con biết viết thế nào? Chẳng lẽ lại viết mẹ tôi là người phụ nữ đẹp nhất, sung sướng hạnh phúc nhất khu phố. Mẹ không phải bươn chải kiếm sống vì đã có ba làm kinh tế. Mỗi lần ba đi công tác nước ngoài về lại mua cho mẹ bao nhiêu đồ hiệu? Chẳng lẽ con lại viết sáng nào mẹ cũng ra phố mua cho tôi tô phở nóng hổi trước khi ba đánh xe đưa tôi đến trường?

Chị thần mặt nhìn con. Ừ nhỉ. Từ xưa đến nay, dù trong sách vở hay phim ảnh, hình ảnh những người mẹ đáng kính thường gắn liền với khốn khó, thăng trầm. Và chính sự vượt qua những khốn khó, thăng trầm đó đã tạo nên hình tượng người mẹ Việt Nam. Có người mẹ nào không thương con, nhưng cái cách thương con của những người mẹ khốn khó bao giờ cũng lay động lòng người hơn. Ai cũng có thể rơi nước mắt khi người mẹ nghèo buộc phải bán đi một quả thận để lấy tiền chạy chữa cho con. Nhưng thật khó rơi nước mắt khi một người mẹ giàu bán đi một nửa gia sản để con du học - dù không có nhiều người mẹ làm được điều đó!

Chị bất ngờ trước suy nghĩ chín chắn và rất thực tế của con. Nó lớn thật rồi. Chị ôm lấy con, hít hà mái tóc rễ tre rồi cười như tự giễu mình:

Ờ hén, vậy mà mẹ chẳng nghĩ ra!

Thảo Linh

Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu