Thứ 2, 20/05/2024 19:14:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị

Ảnh minh hoạ

Cánh diều tuổi thơ

16:21:50 - 31/5/2022

Con bé ngồi bệt dưới chân mẹ, nhất quyết không chịu lên xe. Chiếc túi xách bị nó quăng đánh vèo trên sân, rơi ra nào vở, nào bút chì, thước kẻ. Hai chân dũi dũi trên nền sân, mặt đỏ rựng và nó gào lên: 

- Con ứ đi học đâu. Ứ học nữa đâu! 

Người mẹ trẻ kiên nhẫn nhặt lại những thứ rơi ra từ túi xách, kiên nhẫn thuyết phục đứa con bướng bỉnh: 

- Con ngoan, ra cổng trường mẹ mua chong chóng cho nhé. 

Nhưng con bé vẫn gào lên: 

- Mẹ nói dối. Mẹ lại đưa con tới nhà cô giáo! 

Mồ hôi vã ra ướt hết lưng áo mà con bé vẫn không chịu lên xe. Bực mình, người mẹ trẻ phát vào mông nó liền mấy cái. Mấy đứa trẻ chưa có cha mẹ đến đón đứng thập thò cửa lớp nhìn bạn bị ăn đòn. Những đôi mắt trẻ thơ mở to mà chẳng biết vì sao bạn khóc và bị mẹ đánh. 

Chị cũng đến trường mẫu giáo để đón con. Và cũng giống người mẹ trẻ kia, chị không đón thằng bé về nhà mà đưa con tới lớp học thêm. Ở đó có khoảng hơn chục đứa trẻ độ tuổi thằng bé, mặt mũi ngơ ngác, ánh mắt mỏi mệt, vẫn mang trên mình những bộ đồng phục của trường mẫu giáo, đang cắm cúi tập tô, tập viết, tập làm tính dưới sự giám sát của cô giáo. Giống những đứa trẻ kia, con trai chị sẽ học trước chương trình lớp Một để… chuẩn bị vào lớp Một. 

Chị tự biết mình không hãnh tiến, nhất là hãnh tiến vì sự giỏi giang của một đứa bé hơn năm tuổi. Hè trước, khi thấy chị bạn cùng cơ quan lo lắng tìm cô giáo tiếng Anh cho con gái 2 năm nữa mới vào lớp Một, chị bật cười hỏi bạn: 

- Sao bắt con làm thần đồng sớm quá vậy? 

Nhưng đến hôm chị bạn đưa con đến nhà chơi, thấy con bé ngước đôi mắt trong veo chào chị bằng một câu tiếng Anh và đọc vèo vèo những dòng chữ trên màn hình tivi, chị không còn thờ ơ được nữa. Rồi những buổi chiều đón con, chị dò hỏi những người mẹ và được biết, hầu hết những đứa trẻ đang học mẫu giáo đều được gửi đến các lò luyện viết, tập đọc, tập làm tính thì chị không còn bình chân được nữa. Thế này thì không được rồi! Cái quan điểm “để cho con trẻ nó lớn” của chị bị lung lay. Cuộc thương thuyết giữa chị và cậu con trai cũng đi đến thỏa thuận. Thằng bé đồng ý đi học chữ, dẫu đi một cách vùng vằng chứ không phản đối quyết liệt như con bé ở sân trường mẫu giáo hôm nào. 

Chiều nay, trên đường đưa con đến lớp học thêm, lúc dừng trước đèn đỏ ở Quảng trường 23-3, có cô bé chừng 10 tuổi, tay cầm một túm những cánh diều xanh đỏ sán lại chào mời: 

- Mua diều cô ơi. Mua cho em bé đi cô. Chỉ ba chục ngàn một cái thôi. 

Chị đang tự hỏi cô bé này không đi học hay sao mà bán diều vào giờ này thì thằng bé giật giật tay mẹ. Bé bán diều hỏi dồn thằng bé:

- Em lấy cái màu vàng nhé, hay cái màu xanh đẹp hơn này. 

Rồi thằng bé cũng chọn được một cánh diều. Nó thèm thuồng đòi cầm trên tay. Những cái tua bằng ni-lon 2 bên cánh diều bay phần phật. 

Thằng bé đến lớp học thêm với cánh diều đặt nơi góc bàn. Những cuốn tập không có nơi để phải xếp đè lên trên cánh diều. Thi thoảng nó nhấc chồng vở lên, ngắm nghía cánh diều rồi lại đặt xuống. 

Đón con lúc chập tối, cô giáo nghiêm nghị bảo:

- Từ mai chị đừng để bé mang đồ chơi đến lớp nhé, vì nó mất tập trung. Tối nay, con sẽ phải chép thêm bài ở nhà, vì trên lớp nó mải ngắm nghía cánh diều nên chép bài chậm hơn các bạn!

Thảo Linh

Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu