Thứ 2, 20/05/2024 17:44:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị

Ảnh minh hoạ

Viết cho ngày 27-2

9:46:51 - 27/2/2022

BPO - Vào một sáng chủ nhật đẹp trời giữa tháng 2, chúng tôi hẹn nhau cà phê sau gần 1 năm không thể gặp trực tiếp. Lúc ngồi xuống bàn, em cởi chiếc khẩu trang ra, đã khiến tôi giật mình thốt lên: “Trời ơi, da em sao vậy?” thì em thỏ thẻ: “Tại mấy tháng chống dịch đó chị, giờ em đang trong thời gian điều trị lại da”. Em vừa nói vừa nháy mắt tinh nghịch như để trấn an tôi đang nhìn em đầy thương xót!

Những tháng ngày căng mình chống dịch cho một bệnh viện dã chiến, lúc đó em được giao nhiệm vụ điều hành cả một khoa và có ngày phải đón nhận gần 1.000 bệnh nhân vào điều trị, làm việc cật lực trong bộ đồ bảo hộ kín mít và không có lấy một ngày nghỉ. Em bảo nó giống như một trận chiến đến mức có những phút giây em đã tìm một góc khuất để khóc, để tự trấn an tinh thần của chính mình khi nhìn số ca tử vong cứ tăng liên tục. Hay có những phút giây em đã gồng mình lên, đã thấy mình buộc phải chai sạn cảm xúc đau thương, để trực tiếp điều hành nhân sự. Lúc đó còn có cả những y, bác sĩ ở miền Bắc, miền Trung cùng vào giúp sức cho miền Nam. 

Ngày thường, một bác sĩ khoa nhi như em dù có tăng khối lượng công việc đến đâu, hay có phải làm thêm ở phòng khám tư, thì em vẫn có thời gian để “thở”. Ấy thế mà khi tình nguyện xông pha đi chống dịch về, em gầy nhom, da dẻ hư hao do mùi cồn xát khuẩn cộng với cường độ làm việc cao. Em gần như phải mất 2 tuần ăn, ngủ mới tạm cân bằng lại sức khỏe. Tôi đã bật khóc khi nghe em kể về quãng thời gian trực tiếp tham gia chống dịch và cả những sang chấn tâm lý em đã từng trải qua. 

Bởi lẽ, là con người cho dù có tinh thần thép đến đâu cũng phải có lúc đối diện với hoang mang lo sợ, trước cuộc chiến vô hình tàn khốc kia. Đó cũng là lý do khi tham gia một chương trình truyền hình tôn vinh các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, em thẳng thắn thừa nhận bản thân mình không phải là chiến binh, chiến sĩ anh hùng trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh. Nó cũng chẳng có gì to tát ngoài trách nhiệm của một bác sĩ đang khoác lên mình chiếc áo blouse trắng. Thế nên sau khi các bệnh viện dã chiến được đóng cửa, em lại trở về Bệnh viện Nhi Đồng 2 để tiếp tục công việc. Hằng ngày, em được khám bệnh cho các bé một cách vui vẻ nhất, để những đớn đau của trẻ được giảm bớt phần nào.  

Những ngày gần 27-2 này, cả xã hội xôn xao về một bạn trẻ đã giả danh bác sĩ để tình nguyện tham gia vào khu cách ly điều trị cho F0, thậm chí còn làm giả giấy khen để mang về khoe với gia đình. Và bạn bác sĩ giả danh kia có muôn vàn lý do biện minh cho động cơ của mình. Nhưng có lẽ, nếu đây là động cơ cứu người, dù cho bác sĩ giả hay thật đi chăng nữa thì khi “cuộc chiến” đã kết thúc, họ đều lặng lẽ trở về với công việc của mình. Bởi đơn giản rằng, họ chỉ xem đây là trách nhiệm của một người đã dũng cảm chọn làm nghề y mà thôi.

Xã hội chúng ta có ngày 27-2 để tôn vinh những ai đang làm nghề thầy thuốc, họ đang ngày đêm nỗ lực trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Những người đã, đang và sẽ tiếp tục hết mình vì người bệnh, để xứng đáng với danh hiệu cao quý “Người thầy thuốc của nhân dân”. 

Trần Trà My

Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu