Thứ 2, 20/05/2024 17:20:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị

Ảnh minh hoạ

Về tết

15:15:4 - 28/1/2022

BPO - Có lẽ chưa năm nào, chưa có lý do nào khiến cái tết truyền thống có thể phai phôi trong lòng người dân Việt Nam. Có thể có những ai đó muốn giản tiện, muốn hiện đại hóa, lược bỏ ngày tết, nhưng rồi năm nào cũng vậy, cứ gần đến cuối năm là lòng người nao nức, phố phường rộn ràng khiến ai đó cũng bị cuốn vào không khí đón năm mới. Rồi nào mai, nào cúc, cả cái lạnh se se cuối năm khiến tết cứ tự nhiên mà đến, mà được đón chào. Rồi nhà nhà chuẩn bị, sẵn bày cho những ngày sum họp.

Nhưng 2 năm rồi, không khí tết có phần se sắt, thu hẹp lại không khí rộn ràng. Đại dịch quét qua thế giới này như bóng đen lẩn khuất, khiến nao nức mùa tết không hẳn là vắng bóng mà xen với nhiều nỗi âu lo.

Người người vẫn âm thầm đón tết, nhưng có chút gì như khẽ khàng. Những luống hoa lặng lẽ kết nụ để ngày xuân mang đến sắc màu của niềm vui. Bao người con lại mong ngóng những chuyến xe về nhà. Tết năm nào cũng là sự trông đợi của những người thân ở xa nhau, nhưng 2 năm vừa qua, sự trông đợi càng nhiều hơn, mong mỏi hơn.

Trong khu vườn xưa, ba mẹ tôi vẫn chăm bón từng chậu hoa kiểng, thăm nom từng bụi chuối, tăm tia những ngọn lá sẽ hạ xuống để gói bánh chưng, bánh tét. 

Dù mỗi ngày vẫn qua đi trong nỗi lo nhưng ai cũng mong tết đến. Không chỉ là mong một cuộc hội ngộ hiếm hoi mà còn mong không khí tươi tắn của năm mới sẽ mang lại điều may mắn cho gia đình, quê hương.

Mẹ nói tết năm nay thôi không bánh trái rườm rà, không mua thức ăn chất đầy tủ lạnh, chỉ cần một nồi bánh chưng, một khay mứt nhớ hương vị xưa và chỉ cần anh em tôi về nhà, là đủ đầy.

Cả năm bận rộn với công việc riêng của mỗi người, nhưng khi gần đến cuối năm, không khí se lạnh lại nhắc nhớ về sự ấm áp khi quây quần bên bếp lửa đêm giao thừa. Nhớ tiếng cười nói rộn ràng của con trẻ, nhớ gương mặt ba mẹ giãn ra hài lòng khi con cháu cạnh bên. Chỉ chừng đó thôi, là đủ gây thương nhớ khiến những đứa con ở xa xôi phải tìm cách để “về nhà”.

“Về nhà” với tôi là được nằm trên chiếc võng thảnh thơi nơi hiên nhà, với đàn chó mèo nằm, ngồi ngổn ngang vây quanh, đọc một quyển sách và ngủ quên trong giấc trưa dịu dàng.

“Về nhà” với anh trai tôi là ngồi bên chiếc bàn cũ kê dưới giàn thiên lý xanh mát, thưởng thức ly chè mẹ nấu mà dẫu mấy chục năm đi xa vẫn không thấy ai nấu ngon bằng mẹ.

“Về nhà” với thằng út là dẫn mấy đứa cháu ra sau vườn trồng hoa mười giờ, tưới luống rau cải, ôn lại tuổi thơ ngày nhỏ của mấy anh em.

Cái sự sum họp vì thế mà trở thành niềm vui và mong đợi chung của cả nhà. 

Tết năm nay, mọi người thấp thỏm, liệu đường về có suôn sẻ? Dù vậy, những đứa con vẫn rộn ràng trên group chat của gia đình, hỏi thăm nhà cần gì để tụi con sắm. Mẹ nói: “Chỉ cần tụi bây về ăn tết thôi là đủ!”.

Mẹ lúc nào cũng nói vậy! Những đứa con vẫn cứ tính toán xem trong tết nhà sẽ cần dùng món gì mà tự ý mua sắm. Nhưng năm nay, khi mua món gì, tôi bất giác cũng dè dặt, phân vân. Đó là lúc tôi chùng lòng nghĩ tới những phận người không may, không còn được hưởng mùa xuân nào nữa trong đời, nghĩ đến những người vẫn còn phải chạy vạy từng bữa ăn, càng khó khăn hơn trong cơn đại dịch.

Cái vui riêng xen lẫn nỗi ngậm ngùi chung, khiến mùa xuân như cứ chùng chình, nửa muốn về, nửa lại lửng lơ, sợ dấn thêm một bước là nặng thêm gánh lo toan cho con người.

Dù vậy, cúc, mai, đào vẫn cứ lớn lên chờ ngày thắm sắc. Thiên nhiên vẫn làm tròn chức phận của mình, như muốn an ủi những mất mát, khỏa lấp những nỗi buồn. 

Dù thế nào đi nữa thì cuộc sống vẫn tiếp nối, với một niềm tin ngày mai sẽ tươi sáng hơn. Niềm tin đó giúp những cánh đồng xanh lại sau mùa hạn, những bãi bồi thẳng tắp luống rau vừa gieo mới sau cơn bão lũ và thế giới sẽ hồi sinh sau cơn bạo bệnh.

Cơn đại dịch không ai mong muốn, nhưng nếu nhìn ở mặt tích cực, loài người đã có những thay đổi nhất định, nhận ra sự nhỏ nhoi của mình trong cái vĩ đại của thiên nhiên. Dường như mỗi người đều tự nhìn lại mình, biết trân quý những giây phút bình yên, sống chậm lại, trọn vẹn hơn với từng khoảnh khắc. Những mối liên hệ yêu thương trở nên quý giá hơn, khiến lòng người bận tâm chăm sóc hơn.

Dù thế nào thì vẫn phải có tết, mùa xuân cũng sẽ về, để cho nhân loại vin vào đó mà nhắc nhớ về nguồn cội yêu thương, về những ý nghĩ tươi đẹp khởi lên trong ngày đầu năm mới. 

Tết phải về thôi! Tết là một dấu mốc cho những ai đi xa quá những nỗi nhung nhớ trong lòng mình, nhìn thấy tết như một chỉ dấu đường về.

Tết phải về, để điểm danh niềm vui, nỗi buồn năm cũ, hướng tới những mong ước đẹp đẽ ở một năm đang tới.

Tết phải về, cho những đứa con được “về nhà”, nhìn từng gương mặt nhau trong gia đình, thay vì thả những icon trên group chat.

Để ngày cuối năm, cùng nhau ngồi bên bếp lửa canh nồi bánh chưng như nhiều năm cũ…

Và thở nhẹ an yên, gieo một hạt mầm xanh cho mùa mới.

Trương Huỳnh Như Trân

Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu