Thứ 2, 20/05/2024 15:00:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị

Ảnh minh họa

Mùi của mẹ

10:45:19 - 15/12/2021

Ngày còn thơ bé, con hay òa khóc mỗi khi mẹ để con ở nhà để vội vàng đi chợ hay làm đồng. Ngay cả lúc mẹ ở nhà, con cũng thường dớn dác kiếm tìm khi không thấy bóng áo nâu hay mùi mồ hôi quen thuộc của mẹ. Cái mùi mồ hôi ấy, chỉ khi nào không có mẹ bên cạnh, con mới cảm nhận được nó thân thiết đến nhường nào. 

Con không thể gọi tên mùi của mẹ là gì, chỉ biết đó là mùi hương đặc biệt mà khi không có nó, con thấy không yên lòng. Như mọi đứa trẻ, con nhận ra mẹ trước hết bằng mùi đặc trưng và giọng nói. Ai đó có thể hao hao giống mẹ khi nhìn nghiêng hay nhìn từ phía sau, nhưng mùi của mẹ, giọng nói của mẹ thì chỉ có một, không thể lẫn với bất cứ ai trên đời. 

Khi phải về huyện để học, con thường mong ngóng cả tuần để chủ nhật được về với mẹ. Đêm đến, con hay úp mặt vào lưng áo bạc phếch mồ hôi của mẹ để hít hà cho bõ thèm. Những lúc xa nhà, ký ức của con về mẹ cứ xếp chồng lên nỗi nhớ. Con nhớ tiếng ì oạp rửa chân của mẹ ở cầu ao lúc chập choạng tối; nhớ gương mặt mẹ lúc sáng lúc tối bên bếp lửa khi trời còn chưa sáng để chuẩn bị bữa cơm cho cả nhà trước khi ra đồng; nhớ cái kiểu vừa ăn vừa chạy của mẹ khi nhà có giỗ có đám; nhớ tiếng tắc trâu của mẹ ở khúc quanh đầu ngõ, khi đã lên đèn…

Đã bao lâu rồi, con không còn lẽo đẽo chạy theo ôm chân mẹ để nhõng nhẽo đòi đi chợ hay chia mẹ chút dãi dầu mưa nắng. Đã bao lâu rồi, con không còn gần bên để mẹ chỉ cho cách trồng cà, trồng cải, cách vạc bờ, cuốc góc, để hiểu hết ý nghĩa của những giọt mồ hôi rơi xuống. Đã bao lâu rồi con không còn nghe tiếng mẹ thở dài bởi ruộng lúa vừa mới trỗ đã bị bão quật tan tành, để rồi mẹ lại lẳng lặng vào trong chái bếp lôi ra mớ te vá lại, chuẩn bị cho một hành trình kiếm ăn bù vào số thóc đã bị ông trời cướp đi!

Những ngày tháng đầu tiên khi con có thể kiếm đồng lương bằng nghề cầm bút, mỗi khi con viết về người nông dân nào đó là lại hiện lên hình ảnh của mẹ. Đó là hình ảnh một người đàn bà với đôi quang gánh thường trực trên vai; là đôi bàn chân nứt nẻ với những ngón chân tòe ra vì gánh nặng đường trơn, những móng chân, móng tay không thể mọc dài ra được vì suốt ngày phải ngâm trong bùn đất và phèn bám vàng khè; là gương mặt sạm đen với ánh nhìn lo âu vì không có nước để đổ ải hay bởi xuống giống ba lần rồi mà mạ vẫn chết vì rét; là dáng đi te tái từ chợ về với cái thúng nặng trịch đội trên đầu…

Như mọi người mẹ trên đời, mẹ của con tảo tần, tháo vát, luôn dành tất cả cho gia đình. 

Và như nhiều đứa con, con không nhớ tuổi của mẹ, không biết thời thanh xuân của mẹ ra sao, nhưng chẳng bao giờ mẹ buồn, cả khi con còn thơ bé cho đến khi đám cháu ngoại của mẹ đã trưởng thành. Dù mắt mẹ không còn tinh tường, nhưng con tin lời mẹ nhận xét, rằng con người ta có thể không được ưa nhìn, nhưng tiếng nói trầm, ấm chỉ có ở những con người nhiệt thành, nồng hậu.

Cảm ơn cuộc đời này đã cho con có mẹ!

Thảo Linh


Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu