Thứ 2, 20/05/2024 10:33:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị


Ám ảnh tiếng còi cứu thương

10:9:12 - 10/12/2021

Mấy ngày gần đây, tiếng còi xe cứu thương dày hơn trên tuyến QL13, QL14 và ĐT741 đoạn qua trung tâm tỉnh lỵ khiến nhiều người bất an. Nhà tôi cách mặt đường cả trăm mét, vậy mà tiếng còi xe cứu thương vẫn dội vào óc. Giữa mùa dịch, tiếng còi cứu thương cứ hú lên từng đợt làm não lòng người và tôi thấy tim đập nhanh hơn. 

Xem thông báo về tình hình phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh, thấy số ca mắc mới từ cuối tháng 11 đến nay tăng rất cao. Đỉnh điểm là ngày 7-12, số ca mắc mới lên tới 753 ca. Trong đó, tỷ lệ ca mắc qua sàng lọc cộng đồng tăng mạnh. Có thôn, sóc đồng bào dân tộc thiểu số, hầu hết các gia đình đều có người mắc Covid-19 do phòng dịch yếu kém. Vẫn biết sẽ phải sống chung với đại dịch và chuyện lây nhiễm Covid-19 bây giờ không còn gây hoảng loạn như đợt bùng phát lần trước, bởi hầu hết người dân đã được tiêm vắc xin và còn bởi phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa phát triển sản xuất vừa chống dịch, nhưng sao nghe tiếng còi cứu thương vẫn thấy bất an đến thế. 

Lần đầu tôi nghe tiếng còi xe cứu thương là lúc người dân làng tôi đi làm đồng, phát hiện có hai xác chết không toàn thây ở cái doi đất giữa đồng, giáp với làng Mỹ Khê của xã Quảng Trạch khi tôi còn ở độ tuổi THCS. Một đôi trẻ trong làng yêu nhau nhưng bị gia đình hai bên phản đối, người con trai không biết bằng cách nào đã tìm được một quả lựu đạn. Và họ đã chết cùng nhau trong một đêm mưa tầm tã giữa cánh đồng. Bữa đó, tiếng còi xe cảnh sát giống hệt tiếng còi xe cứu thương rú ầm ĩ chạy qua làng đã gieo vào lòng tôi một nỗi sợ hãi. Và đúng là như thế, mỗi khi tiếng còi ấy hú lên là có chuyện chẳng lành. Đó có thể là một đám cháy, một vụ tai nạn thảm khốc, thậm chí là một đám giang hồ “thanh toán” nhau bằng vũ khí và xe cảnh sát chạy tới để giải quyết vụ việc, vừa đi vừa hú còi để người dân biết mà nhường đường. Rồi cách đây gần mười năm, khi cha tôi đổ bệnh trọng, chính tôi đã ngồi trên chiếc xe có gắn còi xe cứu thương ấy. Phải đến khi ngồi trên chiếc xe cứu thương chuyển bệnh, tôi mới thấu hiểu cảm giác căng thẳng khi người thân đối diện với cái chết và cơ hội sống tính bằng phút, bằng giây. Khi ấy, tôi mới hiểu vì sao các tài xế thường hú còi to đến thế. Họ làm điều ấy không phải cho vui mà để các xe phía trước biết mà nhường đường, để có thêm chút cơ hội sống cho người bệnh. 

Không biết ai đã tạo nên thứ âm thanh đặc biệt của tiếng còi cứu thương. Ðó là âm thanh của sự hiểm nguy và mất mát, báo hiệu điều chẳng lành. Nó tác động rất mạnh đến cảm nhận của mọi người nên khi nghe tiếng còi đặc trưng ấy, bất cứ ai cũng bật lên câu hỏi: lại có chuyện gì rồi?  

Những ngày chống dịch, nhất là đợt bùng phát mới này, nhiều người dần quen với âm thanh chát chúa của còi xe cứu thương. Chỉ cần đếm số lần còi hú là biết dịch bệnh đang rất phức tạp. Nhưng tôi chợt nghĩ, đường sá ở Bình Phước khá rộng, lượng xe lưu thông ít, lại đang trong thời điểm dịch bùng phát mạnh nên ít người lưu thông, đường càng vắng. Vậy có nhất thiết phải hú còi to và liên tục như thế!?

Cuộc sống thời dịch khó khăn và xác suất về những điều không may sẽ nhiều hơn trước, nhiều người luôn cảm thấy bất an. Thế nên cần phải trân quý, chắt chiu từng giây phút bình yên nếu có thể. Mong sao mỗi ngày ít phải nghe tiếng còi gây ám ảnh và đau thương ấy.

Thảo Linh


Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu