Thứ 2, 20/05/2024 13:32:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị


Chợ xổm

17:2:53 - 9/11/2021

Ngày nào bà già ấy cũng đi qua ngõ nhà chị để đến chợ xổm ở doi đất nhô ra cạnh rạp chiếu bóng. Thường bà chỉ bưng theo một cái rổ, bên trong lúc thì ít trái chanh, trái ớt, khi chỉ vài bó mùi tàu, húng dổi hoặc diếp cá. Có lần trong rổ chỉ lỏng chỏng vài trái ổi cũng thấy bà te tái đi chợ. Chị vui miệng hỏi được mấy đồng mà nắng nôi thế cũng đi. Bà cười, biết thế nhưng mà nhớ chợ! Ôi trời! Chợ phải ngồi xổm, không mái che, dậy mùi chất thải bò, mùi cống rãnh và đủ thứ mùi hôi mà bà già kêu nhớ chợ! 

Thế nhưng hình như không chỉ có bà già nhớ chợ. Cứ nhìn tất cả món hàng được bày bán ở chợ quê và cách bán hàng thì có vẻ như người ta đến chợ không chỉ để bán mua. Chợ quê với những con người và những món hàng bình dị. Là người đàn ông vác theo cái nhủi, mình còn đẫm nước, ghé vào bờ nhà ai đó ngắt nửa tàu lá chuối trải lên nền chợ để bày ra vốc tép hay mớ cá lòng tong còn tươi rói. Là cụ bà với mớ chè xanh vừa hái trong vườn. Có cả một khóm bán quạt nan, rổ rá. Có ngan, gà, vịt, chó con… Nghĩa là nhà có thứ gì, người ta mang ra chợ thứ đó.

Đi chợ quê không sợ bị chèo kéo, thách giá. Cái gì cũng bán theo mớ, bằng con mắt ước lượng của người bán và người mua. Người nhà quê không kì kèo bớt một thêm hai, cũng chẳng có giá chuẩn cho một món hàng. Vội về đi làm đồng hoặc thích thì bán, không thích mang về chia cho hàng xóm, tuyệt nhiên không giành khách. Thế nên đi chợ cũng là dịp để người ta chuyện trò, thăm hỏi. Mà hình như chợ toàn người quen, chỗ nào cũng râm ran lời thăm hỏi, nào là dượng ấy khỏi bệnh chưa, rằm này bác có lên chùa không…

Không chỉ là nơi mua bán, chợ quê còn là trung tâm thông tin, giao lưu của người nhà quê. Một người già bệnh nặng hay sắp qua đời, ở xóm trên có đàn lợn con sắp xuất chuồng, một người bà con ở xóm giữa chuẩn bị lợp nhà. Thời chưa có điện thoại, từ chuyện ma chay, cưới hỏi đến lợp nhà, giỗ chạp… chỉ cần nhắn một người cùng xóm là thông tin lập tức đến được người cần nhận tin. Người ta nhớ chợ, ghiền đi chợ là vì thế.

Chợ xổm ngày nào giờ đã thành chợ Mới khang trang, có tường xây, mái tôn với từng dãy ki ốt theo từng ngành hàng không khác gì chợ huyện, chợ tỉnh. Người bán buôn ở chợ giờ đông hơn trước rất nhiều. Cái khác rõ nhất là không còn thấy những món hàng manh mún trong rổ, rá của các mẹ, các chị thu hái từ vườn nhà bày bán nữa. Dự án mọc lên, đất sản xuất dần thu hẹp, không còn chỗ để trồng rau, thả gà. Những lúc nông nhàn, những ai không thể kiếm việc làm xa nhà thì rủ nhau ra chợ “hâm lại” hàng hóa kiếm chút lời. Họ chặn mua lại những rổ hàng ở ngay ngõ chợ rồi mang vào nhập lại cho những người ngồi bán trong các ki ốt. Thành ra mớ rau, mớ cá, chè xanh hay trái cây, khi đến được tay người dùng thì đã nhàu, đã giập. 

Ngoài những món hàng quê, chợ Mới hôm nay chẳng thiếu thứ gì. Rau, củ, trái cây, áo quần ngập các gian hàng. Lời chào mời, níu kéo khách mua hàng ríu ran, nhưng tuyệt không còn cảnh mời nhau miếng trầu hay hỏi thăm nhau giữa chợ. Ai cũng vội vì sợ người khác mua tranh mất hàng. Nhìn cảnh sầm uất của chợ Mới hôm nay, chị bỗng vu vơ tiếc nhớ không khí ồn ào, dân dã của chợ xổm!


Thảo Linh

Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu