Thứ 2, 20/05/2024 13:32:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị

Tác giả Thảo Linh

Lòng tốt cho chính mình

8:1:19 - 30/10/2021

Vừa chạy xe ra khỏi chợ Đồng Xoài, chị tò mò ghé vào một đám đông trước quán cà phê. Một thằng bé chừng mười lăm tuổi, da xanh rớt, mắt nhắm nghiền, nằm còng queo bên vệ đường nhớp nháp. Một đứa lớn hơn quýnh quáng quanh thằng bé nhưng chẳng biết làm gì. Đám đông cứ người nọ nói với người kia, rồi chị cũng hiểu: chúng là hai anh em cùng cha khác mẹ, từ Tây Ninh về Bạc Liêu, không có tiền nên đến chợ Đồng Xoài, chủ xe bắt xuống. Thằng bé bị sốt rét, điều trị cả tuần tại một bệnh viện ở Tây Ninh nhưng vì không có tiền nên buộc phải xuất viện - thằng anh nói với những người hiếu kỳ như thế. Và chị tin ngay. 

Nhìn ánh mắt khẩn cầu và vẻ quýnh quáng của thằng anh, chị tin chúng chung một dòng máu và đang rất cần sự cứu giúp. Rẽ đám đông, chị trao cho thằng anh hộp bánh cuốn vừa mua cho con gái và mớ bạc lẻ đi chợ còn dư. Như một phản ứng dây chuyền, đám đông bắt đầu mở bóp. 2 ngàn, 5 ngàn, 10 ngàn, bàn tay thằng anh đã đầy những tờ giấy bạc nhàu nhĩ của người đi chợ. Chị ra về với vẻ mãn nguyện, dù phải nịnh đứa con gái ăn đỡ mì tôm. 

Mấy hôm sau, trong lúc loay hoay với chiếc bánh xe bị xì hơi, chị nhác thấy hai anh em thằng bé hôm trước đang phì phèo thuốc lá trong một quán cà phê ven đường. Thằng em vẫn da xanh mái - màu da của đứa trẻ sớm làm quen với cà phê, thuốc lá và thức đêm - nhưng nó hoàn toàn bình thường, miệng phun khói thuốc như thổi bễ, mắt dán chặt vào màn hình ti vi đang chiếu một bộ phim chưởng, đánh đấm ì xèo. Dò hỏi người sửa xe gần đó, chị được biết hai đứa trẻ chẳng phải anh em. Chúng là trẻ lang thang, sống nay đây mai đó, lúc làm thuê, xin ăn, lúc ăn cắp, chỉ chưa cướp giật. 

Cảm giác của chị giống hệt anh lính cứu hỏa đã dũng cảm xông vào vác một nàng ma-nơ-canh ra khỏi cửa hàng thời trang bị hỏa hoạn mà chị đã đọc trên mục biếm họa của một tờ báo. Chị thấy bực dọc vì lòng tốt của mình bị nhạo báng. Lòng  tự nhủ phải nêu cao tinh thần cảnh giác hơn nữa, không thể nhẹ dạ tin ngay những điều thiên hạ nói. 

Chiều nay, đi làm về qua xe nước mía đoạn gần quảng trường tỉnh, không còn thấy người đàn bà bán vé số ẵm đứa bé bại liệt ngồi tựa vào chân dù như mọi khi, tự nhiên chị thấy như thiếu điều gì đó. Hỏi, cô bé bán nước mía trả lời: Con bé bệnh nặng, mẹ nó đưa về quê rồi! Chị bâng quơ, chắc gì đã là mẹ con! Cô bé bán nước mía tròn xoe mắt nhìn chị: Sao phải nói dối chứ? Bộ cô không thấy hai mẹ con giống nhau như hai giọt nước à! 

Sao cô bé này cả tin thế nhỉ? Phải rồi, chắc nó nghĩ đến phận mình. Khi bắt đầu biết nhận thức, nó được sư thầy cho biết vào một đêm, sư thầy đi cầu siêu cho một đám tang về đã nhặt được nó, quấn sơ sài trong manh áo cũ đặt ngay trước cổng chùa. Mười mấy năm qua, nó lớn lên trong sự cưu mang của nhà chùa và phật tử. Năm rồi, nó được một người hiếm muộn nhận làm con nuôi và xe nước mía là phương kế sinh nhai của nó. Cảm thương hoàn cảnh mẹ con người bán vé số, mỗi ngày nó đều bớt chút nước mía cho đứa bé bại liệt. Và, nó mặc nhiên tin họ là hai mẹ con. Lành lặn như nó còn bị bỏ rơi, không phải mẹ con thì người đàn bà kia sao lại suốt ngày ôm đứa bé mềm nhũn trong tay - cô bé nghĩ đơn giản thế!

Nhìn đôi mắt tròn xoe của cô bé nước mía, tự nhiên, chị thấy nợ người đàn bà bán vé số một lời xin lỗi. Mỗi lần chờ đèn đỏ, nhìn cái miệng chóp chép và bàn tay xanh xao nhỏ xíu hơi chìa ra của đứa bé, chị lại móc vài đồng lẻ cho nó. Đứa bé không phân biệt được tiền với thức ăn nên đưa ngay vào miệng. Từ sau khi bị hai đứa trẻ lang thang diễn kịch lừa nhiều người, trong đó có mình, chị đã nghĩ, chắc gì đứa bé đã được ăn từ những đồng bạc lẻ chị cho, bởi chắc gì người đàn bà ấy là mẹ nó? 

Chị bỗng thấy mình kém hẳn đi khi nghe cô bé bán nước mía tự hỏi và tự trả lời. Cái vẻ hào sảng của nó khi bớt chút nước mía hằng ngày cho đứa bé tội nghiệp khác hẳn với vẻ lăn tăn của chị khi bớt vài đồng lẻ cho đứa bé trong lúc chờ đèn đỏ. Và chị nhớ lại cảm xúc mãn nguyện của mình khi trao cho anh em thằng bé còng queo bên vỉa hè hộp bánh cuốn và mớ bạc lẻ hôm nào. 

Thế đấy, làm một việc tốt, nghĩ một điều tốt, trước hết là để cho chính mình!   

Thảo Linh


Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu