Thứ 2, 20/05/2024 14:02:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị

Viết tặng các “bóng hồng” đang căng mình chống dịch

9:34:14 - 19/10/2021

Tôi có cô bạn đang làm điều dưỡng tại Bệnh viện 115. Suốt gần 4 tháng trôi qua, chúng tôi vẫn chưa được gặp mặt nhau, thậm chí có thể phải kéo dài thêm một thời gian nữa. Em bảo, ngày em nhận nhiệm vụ “lên đường” để ở hẳn trong bệnh viện thì cô chủ nhà trọ cho ít khẩu trang và nước rửa tay rồi tự nhiên cô bật khóc. Cô bảo cứ lo đi chống dịch còn tiền nhà về tính sau.

Sự tàn khốc của dịch Covid-19 ai cũng biết nhưng có lẽ, sẽ ít ai có thể hình dung ra khung cảnh khốc liệt trong bệnh viện, nhất là những áp lực mà các y, bác sĩ đã và đang phải trải qua, đặc biệt là các bóng hồng. Lịch trình dày đặc của họ được chia thành 3 ca trực thì mới mong có thể đảm bảo được sức khỏe cho đội ngũ y, bác sĩ điều trị. 

Em bảo, trong suốt ca trực các y, bác sĩ phải bất di bất dịch trong bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân. Và những thói quen sinh hoạt thường ngày nhất như đi vệ sinh hay uống ngụm nước đều khó khăn với họ. 

Mỗi ngày sau khi hết ca trực thì tất cả y, bác sĩ cởi bỏ đồ bảo hộ, tắm rửa rồi lên một chiếc xe riêng biệt chở về khu cách ly dành cho mình. Và ở đó thường là những hộp cơm nguội ngắt vì đã quá giờ ăn trưa, ăn tối như ngày thường. Em còn kể, có những nữ y, bác sĩ sau ca trực đã rã rời thân thể nhưng vẫn phải tranh thủ gọi điện thoại về nhà để dạy con học online. Thậm chí, có những em bé ngày nào cũng gọi điện thoại khóc hỏi tại sao mẹ đi làm mãi không về? 

Còn những y, bác sĩ chưa có gia đình riêng, chưa vướng bận con cái thì họ chỉ mong sao nhanh hết dịch để được về bên cha mẹ, người thân của mình. Bởi hằng ngày, chính họ là người đầu tiên nhìn thấy những cái chết trong bệnh viện do Covid-19 gây ra. Có những ngày, đội ngũ nhân viên nhà xác gần như kiệt sức vì số lượng người chết nhiều, và theo lẽ tự nhiên tâm trí họ cũng bị xao động.

Chính những y, bác sĩ đang từng giờ, từng phút giành giật sinh mạng người bệnh trong tay tử thần Corona, bản thân họ cũng có người thân bị nhiễm SARS-CoV-2 trong cuộc chiến sinh tử ấy. Thậm chí, chính tính mạng họ cũng không thể nào thoát khỏi con virus vô hình kia. Thế nên, khi thế giới tôn sùng họ là anh hùng, những chiến sĩ quả cảm nơi tuyến đầu chống dịch, cũng là lúc trái tim họ thêm rỉ máu khi thấy nhiều người bệnh ra đi.

Những ngày này, khi cuộc sống bình thường mới đang dần được thiết lập trở lại thì đội ngũ y, bác sĩ vẫn chưa được “thả về”. Thậm chí lúc này có rất nhiều nữ y, bác sĩ phát hiện ra mình đang là F0 nên phải đưa đi điều trị. 

Trong cuộc nói chuyện video với tôi, em nói: “Chị ơi! Em chỉ muốn về ăn bữa cơm với mẹ, vì mấy tháng rồi em không được về Cà Mau”. Chỉ nghe đến đó là tôi đã òa khóc vì thương cho những hy sinh thầm lặng của các chiến binh áo trắng. Tôi dang tay như để ra hiệu muốn ôm em một cái nhằm động viên tinh thần cô gái điều dưỡng ấy. 

Quả thật, khó có từ ngữ nào có thể lột tả được hết sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ trong đợt dịch bệnh này. Bởi khi có những ngày, chính họ cũng không biết ngày mai liệu mình còn sống hay không, nhất là những bóng hồng đang khoác trên mình chiếc áo blouse trắng. Biết ơn những nữ y tá, bác sĩ vẫn luôn kiên cường chiến đấu mỗi giờ, phút trôi qua. Họ là những bóng hồng đặc biệt giữa vườn hoa cuộc sống.

Trần Trà My


Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu