Thứ 2, 20/05/2024 12:34:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị

Tác giả Thảo Linh

Quê ngoại

16:59:28 - 13/10/2021

Chẳng hiểu sao mỗi lúc nhớ về quê ngoại, trong tôi luôn hiện lên hình ảnh rất buồn thương: mẹ vừa đút bánh cho ông ngoại ăn vừa khóc. Và khi trở về, trong lúc tôi vồ cào cào hay bắt chuồn chuồn trên bờ ruộng thì mẹ vẫn vừa đi vừa khóc. Cũng có vài lần tôi khóc nhưng là vì thấy mẹ khóc nên khóc theo chứ không phải vì thương, bởi lúc ấy tôi còn quá nhỏ nên chưa cảm nhận được tình yêu thương mẹ dành cho ngoại. Không chỉ ông ngoại mà cả cậu mợ tôi đã thành người thiên cổ từ lâu nhưng hình ảnh mẹ vừa cho ông ăn hay tắm cho ông vừa khóc vẫn cứ choán ngợp lòng tôi. 

Trong mắt các cậu, dì tôi hồi ấy, mẹ là người tiến bộ: có thời gian đi làm ở cơ quan nhà nước và lấy chồng “mạn trên”. Khổ nỗi, hồi ấy nhà tôi đói rớt. Nếu ruộng đồng ở làng Nhân Trạch quê ngoại là những bờ xôi ruộng mật thì ở làng Tân Đắc quê tôi thường thiếu nước nên mùa màng rất bấp bênh. Như hầu hết mọi nhà trong làng, nhà tôi thường thiếu đói. Và hễ thiếu đói là mẹ tôi lại cắp thúng về các dì, nhất là dì giáp mẹ tôi - dì Tư!

Trong số 4 chị em mẹ tôi sinh ra, tôi hay được mẹ cho về ngoại nhất. Và trong trí nhớ tôi vẫn vẹn nguyên hình ảnh mỗi lần về ngoại là chiếc thúng của mẹ lại đầy. Có khi là thúng lúa, bên trên là miếng mít chín hay vài ống lang khô dì Tư cho. Mẹ tôi mắc bệnh tiền đình rất nặng. Nhiều lần vào vụ cấy hay gặt, mẹ đổ bệnh, nôn ói suốt mấy ngày. Dì Tư chạy khắp xóm nhờ người cấy, gặt cho nhà mình rồi chạy lên làm cho mẹ tôi, xong lại vội về để còn “nghiệm thu” ruộng nhà mình. Thế nên chị tôi, em tôi và chính tôi thương dì không khác gì mẹ. 

Nhưng với tôi, quê ngoại thân thương nhất phải kể đến những ngày giỗ, tết. Cậu cả tôi hồi đó là Giám đốc Nhà máy cưa Mật Sơn. Người cậu nhỏ thó, tính tình rộng rãi, thương người và rất chu đáo. Những năm đói kém, tôi chỉ mong đến ngày giỗ ông bà ngoại hay tết để được về ngoại. Giò chả, măng miến, thịt luộc, thịt kho, cá rán, trứng rán… là những thứ chỉ có trong giấc mơ của tôi, nhưng luôn hiển hiện trong mâm cỗ nhà cậu. Và đó là những dịp tôi thỏa mãn khả năng ăn uống của mình. Khi đã no kễnh, tôi cùng mấy đứa em họ ra quần thảo trên mấy cây ổi nhà cậu. 

Nhưng đó chưa phải là tất cả. 

Với tôi, màn hấp dẫn nhất phải là lúc cậu tôi mừng tuổi. Trong 7 anh chị em bên ngoại, mẹ tôi sinh ít nhất, chỉ 4 đứa. Đông con nhất là dì út với 7 đứa. Thế nên đám con cháu bên ngoại đông như quân Nguyên. Nhưng năm nào cũng thế, cậu chuẩn bị sẵn tiền lẻ. Và đứa nào cũng có phần, mỗi đứa 2 hào. Đó là gia sản lớn nhất vào đầu năm mới của tôi. Có lần cậu mừng tuổi bằng tiền xu, tôi lận 4 đồng 5 xu vào cạp quần - chiếc quần phíp dài thỗn thện mượn của chị tôi, vì đêm ba mươi tôi đái dầm ra chiếc quần chơi tết của mình. Tôi phải lận hai bên cạp quần lên như 2 trái chanh để không phải giẫm vào gấu quần và lận 4 đồng 5 xu vào 2 trái chanh ấy. Mải chơi, không biết tiền rơi lúc nào, tôi khóc suốt quãng đường từ nhà cậu về nhà mình rồi “bắt đền” chị tôi, bảo tại cái quần của chị mà em mất tiền!

Mẹ ngồi một chỗ từ lâu nhưng đầu óc vẫn minh mẫn. Lần nào tôi về, mẹ cũng nhắc xuống thăm các dì, nhất là dì Tư. Thật may, cực khổ như thế nhưng dì Tư đã 90 tuổi và 2 em sau của mẹ vẫn còn. Thế nên mỗi lần về Thanh, tôi vẫn còn nhiều động lực để về quê ngoại, về lại tuổi thơ tôi!

Thảo Linh

---------------------------------------------------------------------------

Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu