Thứ 2, 20/05/2024 11:23:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị


Ngày cúng cơm ông nội

21:54:4 - 5/9/2021

Khi tôi khoảng bốn, năm tuổi, được mẹ dẫn sang nhà chú thím dự lễ cúng cơm ông nội và lần đó đã khiến tôi nhớ mãi.

Đám giỗ ở quê thường được tổ chức từ hai ngày trở lên nên mẹ đưa tôi qua nhà chú thím từ hôm trước. Đêm hôm nghỉ lại, đang ngủ thì tôi bỗng giật mình thức giấc, ngước nhìn lên tủ thờ, thấy ông hiện về mặc chiếc áo com lê màu xám tro. Sớm mai tỉnh dậy, tôi liền kể lại cho mẹ nghe và đó là lần đầu tiên tôi được gặp ông nội. 

Ngày tháng trôi qua, nhà tôi ít khi đi sang nhà chú thím dự lễ giỗ ông mà gia đình tôi tự nấu thức ăn và mời “Ông nội về ăn cơm với con”. Bữa ăn diễn ra như ngày thường nhưng ai nấy đều cảm thấy ấm áp và vui vẻ. Và rồi thời gian cứ thế thoi đưa cùng với những hoài niệm.

Mẹ tôi đã mất cách đây vài năm. Nhớ ngày nào mẹ dẫn thằng em út đi giỗ ông; rồi em gái lớn lên theo chồng về nơi xứ lạ, sinh được hai cháu… tôi thấy thời gian trôi qua thật nhanh. Giờ đây tôi lại ở xa, cách nửa vòng trái đất. Mới hồi tối này, thím nhắn tin cho tôi, hỏi: “Hôm qua là ngày cúng cơm ông nội, con có nhớ không?”.

Thực sự, tôi cũng không nhớ nữa, vì đã lâu lắm rồi tôi không ăn chung với người thân gia đình, cũng không còn bới cơm ra chén và gác đôi đũa ngang để mời ông về ăn. Bởi tôi vẫn nghĩ nội sống mãi bên cháu con. Chiều nay, tôi điện thoại cho người chị thứ hai, hỏi: “Chị biết hôm qua là ngày gì không?”, chị trả lời: “Ngày cúng cơm ông nội chớ ngày gì, ngày hai mươi tháng tám âm lịch”. 

Nghe ba tôi kể lại, ông là nhà thông thái, học rất giỏi, do thời cuộc nên ít người biết tới. Ông thích làm thầy giáo dạy học, tuy nhiên vì một số lý do riêng đành phải làm nghề may. Ông nổi tiếng chuyên may đồ vest lúc bấy giờ, dân buôn bán trên thuyền thường hay ghé đến để đo và đặt may quần áo. Ngoài ra, ba tôi còn cất giữ một lá thư viết tay của ông. Thư gửi cho ba tôi thời còn trẻ đi học xa nhà, trong thư đề cập đến những lời động viên, khích lệ về việc học tập, đồng thời căn dặn con phải biết cách tự chăm sóc và giữ gìn sức khỏe. Tôi có cơ hội đọc qua lá thư đó nhưng lại không nhớ được nhiều. 

Và lẽ đương nhiên, có ông bà, cha mẹ thì mới có chúng ta. Con cháu vẫn mãi là thế hệ truyền thừa, tiếp nối dòng máu của tổ tông; giữ gìn và phát huy giá trị cao đẹp ông bà, cha mẹ để lại. 

Ngày cúng cơm ông nội, tôi hằng mong nội luôn hạnh phúc, bình an nơi thế giới mới. Một thông điệp được lan tỏa “niệm tri ân, lòng thương tiếc”, nhắc nhớ rằng: Ông vẫn còn sống mãi trong tim của cháu, con.

Nguyện an lành xin gửi đến người ông đã mất, nguyện trong lòng tôi sẽ cố gắng sống thật tử tế, tốt đẹp và ý nghĩa. Để năm sau vào ngày cúng cơm của ông, tôi phải làm một điều gì đó lợi lạc cho những người hiện tại - những người già lớn tuổi, neo đơn ở ngoài kia của xã hội, vì họ cần lắm sự quan tâm và yêu thương.

Việt An Khương


Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu