Thứ 2, 20/05/2024 18:40:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị

Trần Trà My

Cảm ơn những ngày gian khó

19:44:34 - 3/8/2021

Sài Gòn đang trải qua những ngày lịch sử. Tôi thích gọi như vậy cho nó mang lại một năng lượng lạc quan. Những ngày mà toàn bộ nhân dân thuộc các tỉnh, thành phía Nam, nhất là Sài Gòn đều phải ở yên trong nhà với nhiều ngày dài. Chỉ được phép ra đường khi có vấn đề liên quan đến sức khỏe và đi mua lương thực, thực phẩm mà thôi. Thậm chí, sau 18 giờ tất cả người dân đều không được ra khỏi nhà.

Quả thật 100 ngày ở yên trong nhà như thế này khiến tôi luôn hoài niệm về ký ức tuổi thơ của mình. Vì với người dân miền Trung chúng tôi luôn phải đối mặt với tình trạng thiên tai khắc nghiệt. Mùa hè thì hạn hán và gió Lào như quật ngã con người mỗi khi ra đường. Còn đông tới, mưa bão giá rét suốt vài tháng trời là điều hiển nhiên. Thành ra, nhiều khi vài ba tháng mẹ tôi mới được đi chợ một lần để gia đình có được bữa ăn tươi. 

Còn lại những ngày sau đó, thường chúng tôi sẽ được ăn cá khô, muối sả, các loại rau, củ, quả muối chua. Có hôm nhà không còn gì ăn thì tụi tôi sẽ được ăn món ruốc kho, đậu phộng rang ăn kèm với nước mắm ớt tỏi. Hoặc tép rang trộn thêm mắm ớt. Gọi là ăn cho no cái bụng và qua thời kỳ mùa đông lạnh giá buốt. Nhưng nồi cơm không bao giờ thừa một hạt. Thậm chí, mẹ tôi còn phải hạn chế cho tôi ăn, bởi lúc đó tôi quá mập.

Lúc đó, nghe những người đi vào Nam lập nghiệp, mỗi lần về thăm quê họ lại kể về miền Nam với một khí hậu ôn hòa, thức ăn trù phú và trái cây quanh năm. Không như người dân miền Trung chúng tôi, lúc nào cũng phải lo chắt chiu dành dụm. Thậm chí làm 10 đồng thì nhiều lắm chỉ dám tiêu xài ½ số tiền mình kiếm được. Và người dân miền Trung chúng tôi còn có tiếng đôi khi hơi keo kiệt vì tiết kiệm quá đà. Tại trong tiềm thức của chúng tôi luôn được “cài đặt” sẵn chế độ phải biết tiết kiệm và tích trữ thực phẩm phòng khi đói kém, thiên tai ập đến còn có cái mà dùng. 

Trong nhà bao giờ cũng phải dự trữ gạo và mắm muối đủ xài có khi nửa năm. Vậy nên khi nghe kể về miền Nam trù phú, thích cái gì được ăn cái đó làm tôi cảm thấy vô cùng thích thú. Quyết tâm sau này cũng phải Nam tiến, để có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế mà, những năm đầu tiên mới vào Sài Gòn, tôi vẫn còn mang tư tưởng tích trữ thực phẩm trong phòng trọ. Bạn bè rất nhiều người chọc tôi sao người bé mà mua một đống thực phẩm mỗi lần đi siêu thị. Lúc đó, tôi chỉ biết nhoẻn miệng cười trừ! Tại các bạn dân Sài thành chưa nếm mùi vị của sự khắc nghiệt từ thiên tai.

Nhưng dần dần tôi cũng bỗng “Nam hóa” vì cuộc sống thời 4.0 rất tiện ích. Thậm chí, ngồi một chỗ cũng có thể đi chợ online mua hàng đủ thứ. Song, khi dịch bệnh ập đến và nhất là khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg thì tự khắc tôi thấy mình đã hiện “nguyên hình” là một phụ nữ miền Trung. Thực phẩm được bạn bè tiếp tế, tôi thường chia sẻ lại cho hàng xóm một ít, vì rất nhiều người còn khó khăn hơn mình. Hôm nào may mắn có được rau củ hay trái cây thì đối với tôi đó là niềm hạnh phúc. Còn lại tôi sẽ ăn theo kiểu của người dân miền Trung ngày xưa nghèo khó. Thế nên, bạn bè và người thân trong gia đình hỏi có ổn không thì tôi đều tự tin trả lời là vẫn ổn! 

Đôi khi một chén cơm trắng và một ít muối sả ở quê gửi vào tiếp tế cũng làm một bữa ăn hạnh phúc giản đơn. Bởi nó sẽ giúp tôi thêm nhận ra rằng phải đi qua những ngày mưa mới cho ta biết yêu thêm những ngày nắng. Bình an và khỏe mạnh hay không đầu tiên phải nằm ở phần tâm hồn trước đã.

Mà muốn có được một nội tâm an yên thì phải học cách chấp nhận với những gian khó. Cảm ơn những ngày tháng tuổi thơ thật nhiều thiếu thốn về vật chất để khi lớn lên bước ra đời thấy mình vẫn bình an mà sống! 

Trần Trà My

---------------------------------------------------------------------------

Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


Trần Trà My
  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu