Thứ 2, 20/05/2024 15:42:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị

Tân Thảo (BPTV)

Thương vị bánh nổ!

15:11:28 4/1/2021

Tháng Chạp về, nỗi nhớ quê lại dâng lên. Năm nay, không khí lạnh kéo dài và lan tỏa đến tận miền Nam những ngày cuối năm càng gợi nhớ những ngày giáp Tết, nhớ không khí đón Tết cùng những món ăn dân dã, cổ truyền của quê tôi. Và một trong những món quà Tết tuy mộc mạc mà thấm đượm tinh hoa vùng đất Quảng Ngãi đã in sâu trong tôi là món bánh nổ. 

Bánh được làm bằng lúa nếp rang nổ bung, nên người ta định danh luôn cho nó cái tên nghe rất vui tai là bánh nổ. Nhưng để có miếng bánh ngon giòn, thơm ngậy phải trải qua những công đoạn: lựa chọn lúa nếp, rang nếp, đóng bánh. 

Nguyên liệu để làm bánh nổ là lúa nếp được cấy tầm tháng 7 âm lịch. Đến đầu tháng 10 thu hoạch, phơi khô nắng vàng rồi đem cất. Cuối tháng chạp (trước khi làm bánh) đem ra phơi lại để khi rang, nếp sẽ nổ giòn, bung vỏ…

Bánh nổ làm thủ công nên cái hương vị rất thuần khiết. Do lực đóng bánh và trộn đường không đồng đều nên mỗi lát bánh có độ giòn ngọt và xốp dẻo khác nhau, so với bánh làm máy bây giờ, bánh thủ công có hình hài thô ráp và dáng vẻ cục mịch, không đều, Song cái hương vị thì tinh túy, vị thơm được giữ vẹn nguyên.

Ngày nay, đời sống phát triển, việc làm bánh nổ phổ biến quanh năm, không phải đợi đến Tết mới có. Nó đáp ứng nhu cầu của người con xa quê muốn đưa quà Quảng Ngãi đến những nơi làm ăn, sinh sống mới. Và hầu hết, bánh được làm bằng máy, đẹp hơn, vuông vức hơn… 

Nhưng bánh nổ gắn liền với tuổi thơ của tôi. Thời mà luôn háo hức mong tới tết, để được mặc đẹp và ăn bánh nổ ngày Tết, hầu như gia đình nào ở quê cũng làm rất nhiều bánh nổ. Bởi không chỉ dùng trong 3 ngày Tết mà bánh được dùng thay cho những gói cơm của những người đi làm đồng, một nắng hai sương chuẩn bị cho vụ lúa mùa mới…

Tháng Chạp về, trời miền Trung se lạnh, má ngồi rang nếp, nếp nổ tí tách rồi bung trắng tinh tươm, chắc nếp đã ngủ đông tròn giấc, chỉ chờ được rang lên để trắng trẻo lụa là, khoe sắc đưa hương. Giờ có điều kiện để mua nhiều bánh nổ nhưng tôi vẫn chỉ thèm vị bánh làm bằng tay như xưa.

Tôi lại nhớ cảnh ngồi chồm hổm canh má cắt bánh, tranh thủ lượm đầu đày (rìa bánh) để ăn. Má cắt bánh thành những miếng nhỏ hình vuông hoặc tam giác rồi xếp gọn vào thùng có lót sẵn giấy báo để dùng dần. Má đem bánh đi cất và không quên dặn dò: "Bánh đó để cúng rồi mới được ăn nha các con…".

Đêm giao thừa, má lấy đĩa xếp bánh ra. Bánh được đặt lên bàn thờ gia tiên để cúng ông bà trong những ngày Tết. Mùi khói nhang quyện hòa mùi hương bánh nổ mà cảm nhận đất trời thiêng liêng quá đỗi!

Và như thế, Tết đã về!


Tân Thảo

---------------------------------------------------------------------------

Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


Tân Thảo
  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu