Thứ 2, 20/05/2024 16:31:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị

Tác giả Phương Thúy (Bình Phước)

Bố tôi

12:57:39 6/1/2021

Trong lòng mỗi người thường có ai đó để ngưỡng mộ, kính trọng hoặc thần tượng. Tôi cũng không ngoại lệ.

Cứ mỗi lần nghe bài “Nghề giáo tôi yêu”, trong tôi lại trào dâng cảm xúc rưng rưng muốn khóc. Tôi lại nhớ đến một người vẫn im đậm trong tim mình: Đó là bố!

Tôi có một thời gian dài theo nghề của bố: Làm cô giáo. Nhưng thăng trầm cuộc sống đã đưa tôi sang một ngã rẽ khác. Một nghề chỉ có chút xíu liên quan đến bài giảng là tập huấn kiến thức ngành.

Nhưng tôi không còn là thầy, không có những ánh mắt ngây thơ, trìu mến hướng về mình ngày nào. Cũng không còn những mộng mơ khi theo đuổi ước mơ làm nghề giáo như bố.

Bố tôi hiền lắm. Hiền hơn tất cả những người đàn ông tôi đã từng gặp, từng tiếp xúc. Đặc biệt là cực kỳ mô phạm. Có lẽ vì thế, dù đã nghỉ hưu được hơn 10 năm, ông vẫn giữ nguyên cái phong thái “ông giáo làng” thuở nào.

Từ dáng đi, nếp nghĩ đều đậm chất của người giáo viên thời bao cấp. Nhiều khi tôi vẫn liên tưởng bố với hình ảnh ông giáo Thứ của nhà văn Nam Cao. Sau này, truyện đã chuyển thể sang điện ảnh do nhà văn Kim Lân đóng lại càng khắc sâu hơn hình ảnh về bố, giống bố đến lạ lùng. Với dáng vẻ gầy gầy, xương xương khiến ai gặp cũng thương. Học trò của bố lại càng thương nhiều hơn.

Từ khi đứng trên bục giảng cho đến khi làm lãnh đạo rồi về hưu, bố tôi luôn giữ được phong thái điềm đạm, hòa đồng với tất thảy mọi người.

 Suốt cuộc đời hơn 30 năm làm thầy giáo thì có tới gần 20 năm gắn bó với vùng cao. Vì thế, khi đã là hiệu trưởng ông vẫn luôn gần gũi với học trò, vẫn sẵn sàng rút ra đồng lương cuối cùng của tháng đưa cho cậu học trò nghèo khi biết các em cần.

Vì lẽ đó, sau này, dù bố tôi đã nghỉ hưu nhưng rất nhiều học trò từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã tìm đến nhà thăm hỏi, động viên... Đó là niềm hạnh phúc mà bố tôi luôn trân trọng khoe với bà con lối xóm… Đó cũng là nguồn động viên để bố vui hơn trong những năm tháng tuổi già. Còn tôi, càng thêm trân quý “thần tượng” của mình. Và vì cả những gì bố đã truyền lửa cho tôi.

Trong số nhiều học trò thành đạt tới thăm, không ít người ngỏ ý muốn giúp đỡ trong tầm tay họ nhưng tuyệt nhiên, chưa một lần bố tôi nhờ vả. Bố luôn dạy chúng tôi phải biết tự vươn lên bằng chính năng lực của mình.

Vì quý trọng, tin tưởng và nghe lời bố nên tôi vẫn luôn nỗ lực sống và làm việc bằng chính khả năng của mình. Đến giờ này, tôi vẫn chỉ là một công chức bình thường nhưng cảm thấy vui vì luôn ngẩng cao với lối đi đã chọn. Tự tin làm việc từ thực lực của bản thân và sống bằng chính đôi tay của mình.

Càng lớn, càng va chạm, tôi càng hiểu, người trung thực và chọn lối sống như bố thường thua thiệt. Nhưng tôi vẫn không thay đổi cách nhìn về chân lý sống ấy.

Dù cuộc sống không muốn bon chen, không ganh đua thường sẽ nhận về sự đạm bạc vật chất. Nhưng nếu biết đủ vẫn sẽ thấy ý nghĩa vui sống mỗi ngày, sẽ thấy mình giàu: Giàu tình cảm.

Quan trọng hơn, tôi thấy mình luôn được là mình, được sống thật với chính mình. Đó là điều bố đã dạy chị em tôi: Cách làm người và cách đứng vững giữa cuộc sống vô thường. 


Phương Thúy

---------------------------------------------------------------------------

Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


Phương Thúy
  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu