Thứ 2, 20/05/2024 17:11:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị

Linh Tâm

Người thầy đầu tiên

15:32:4 18/11/2020

BPO - Bảy tuổi nhưng tôi còm nhom như đứa trẻ lên năm. Mẹ dắt tôi lội qua một rãnh nước lớn để bước vào lớp học của ông giáo làng. Nhìn những đứa trẻ cao lớn hơn mình hẳn cái đầu, tay chân, mặt mũi dính đầy mực nằm phủ phục tập viết dưới nền nhà, tự nhiên tôi thấy sợ, cứ bám chặt lấy đầu gối mẹ.

Ông giáo ân cần nói chuyện rồi bảo đứa trẻ bên cạnh cho tôi mượn bảng và viên phấn để viết thử. Nhìn mấy chữ cái có nét vẩy lên “thanh”, nét sổ xuống “đậm”, ông khen tôi có khiếu!  

Ông giáo là người rất nghiêm khắc. Trò nào nghỉ học không có lý do, hôm sau phải ở lại chép hết bài của hôm trước. Vốn là đứa trẻ nhút nhát, tôi rất sợ bị phạt nên học rất chăm. Chẳng bao lâu, tôi trở thành trò giỏi trong lớp. Và không biết tự bao giờ, mỗi khi có trò phạm lỗi, ông giáo lại bắt tôi dùng thước đánh vào bàn tay chúng. Sợ chúng đau, tôi đánh khẽ, ông bắt đánh lại. Cứ thế, tôi trở thành kẻ thù của đám trẻ lười học. Cũng từ đó, vở của tôi thi thoảng bị xé vài trang vào giờ ra chơi, còn lưng áo thì luôn đẫm mực. Không dám mách thầy, cũng không dám khóc tại lớp nhưng về đến nhà thì tôi khóc ròng và một mực đòi mẹ cho nghỉ học. 

Một buổi tối, mẹ bưng rổ khoai với mớ trầu đến nhà ông giáo. Tôi lẽo đẽo đi theo nhưng không dám vào. Mẹ nhai giập miếng trầu rồi mới thưa chuyện với ông giáo. Mẹ xin ông đừng bắt tôi phạt lũ học trò. Một thoáng im lặng rồi ông giáo nói: Nó nhỏ nhất lớp, lại yếu ớt nhưng chăm học nên tôi muốn những đứa khác thấy đó tự ái mà vươn lên, không ngờ làm khổ nó. Ngày mai thím để cháu nghỉ một buổi. Nghe mẹ kể lại, tôi mừng rơn. Hình phạt từ đấy cũng được xóa bỏ. 

Năm tháng qua đi, tôi học ở trường xã rồi lên trường huyện, trường tỉnh. Mỗi khi thấy tôi qua ngõ, ông giáo vẫy tôi lại để xem vở. Mắt ông rạng ngời khi thấy những điểm chín, điểm mười…

Rồi ông giáo vĩnh viễn ra đi bởi một căn bệnh lạ. Mẹ tôi lễ thầy bằng buồng cau và mớ trầu vườn nhà. Đám tang ông giáo thật đông người đưa tiễn. Và dù ông bà chẳng có con nhưng thật nhiều người khóc. Từ hôm ấy tôi mới biết rằng những lớp học trước tôi và cả những lớp học sau tôi, ông giáo đều dạy miễn phí. 

Tôi nghẹn lòng nhớ lại những lúc theo mẹ mang biếu ông giáo lúc mớ rau, khi vài trái chuối. Nhớ bàn tay sần sùi thô ráp của ông giáo xoa lên mái tóc và ánh mắt rạng ngời của ông mỗi khi lần giở từng trang vở và thấy những điểm Mười đỏ thắm. Ông đã dạy chúng tôi bằng cả tấm lòng và gửi gắm vào từng học trò khát vọng của chính mình. 

Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi lại nhớ tới ông giáo làng, nhớ người thầy đầu tiên của tôi trên con đường học vấn.


Linh Tâm

---------------------------------------------------------------------------

Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu