Thứ 2, 20/05/2024 16:31:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Điều giản dị


Nhà văn Trần Trà My

Nhớ những mùa trung thu xưa cũ

02:30 PM - 25/09/2020

BPO - Ngày bé ở quê cứ vào tầm mồng mười tháng tám âm lịch là tụi trẻ con đã rộn ràng chuẩn bị cho trung thu. Hằng đêm, từng tốp múa lân đã đi đầy đường, chen vào khắp hang cùng ngõ hẻm, làm nháo nhào cả khu phố mỗi lần có đoàn múa lân xuất hiện. 

Quê tôi ở tận một huyện nghèo của miền Trung. Phải tận năm 92 hay 93 gì đó của thế kỷ trước, khi cả gia đình chuyển vào thị xã, chị em chúng tôi mới biết thế nào là Tết Trung thu. Nhưng miền Trung, rằm tháng tám đa số rơi vào mùa mưa bão. Thành ra, cứ hễ đêm nào trời không mưa là tụi trẻ chúng tôi lại reo hò vui sướng vì được ra đường xem múa lân và cũng có khi tụ tập lại thành một đoàn múa lân nhỏ. Tự trang trí "đồ nghề " và lập ra nhóm nhảy quanh xóm để kiếm tiền.

Hồi mới từ quê lên thị xã sinh sống, mỗi khi thấy đoàn múa lân vào nhà, chị em chúng tôi lại sợ hãi khóc toáng lên! Đứa thì núp sau gốc bàn, đứa chui vào lòng cha mẹ. Chúng tôi nào biết ông Địa là ai, Tôn Ngộ Không là ông nào, hay đầu lân sư tử là cái gì đâu. Nhưng mùa Trung thu năm sau, ba tôi đã mua giấy về làm mặt nạ, làm đèn ông sao, mua cả cái trống bé bé về cho tụi tôi chơi Trung thu. Ba còn lấy mấy cái lon bia hay mất thùng giấy carton người ta bỏ đi về làm lồng đèn và đặt thêm cây nến vào thắp sáng lên.

Mặt nạ thì kiếm tờ giấy to và vẽ vời trang trí thêm. Sau đó, khoét hai cái lỗ để làm hai con mắt, đục thêm hai cái lỗ kế bên mang tai, kiếm hai sợi dây luồng vào là thành cái mặt nạ. Con nhà nghèo nên ba mẹ phải sáng tạo để chúng tôi cũng có đồ chơi như tụi trong xóm. Nguyên dãy khoảng 10 nhà san sát nhau, nên lớn thêm một chút là tụi tôi đã biết tụ tập lại mỗi lần đến Tết Trung thu. Thật ra bắt đầu qua rằm tháng bảy, chúng tôi đã rục rịch đếm từng ngày… Nguyên cái xóm nhỏ ấy, tụi con nít chúng tôi bắt đầu góp tiền từ bán ve chai, nhịn ăn sáng... để đến rằm Trung thu mua bánh, kẹo, trái cây và cả nước ngọt nữa.

Đúng đêm rằm, nếu trời không mưa, chúng tôi lại trải chiếu ra sân của nhà ai đó. Ngồi bày bàn tiệc ra để cùng nhau phá cổ Trung thu, cùng hát hò vang một khoảng trời, rồi cùng nhau ngắm trăng tròn và mơ về chị Hằng, chú Cuội.

Nhưng năm nào xui đúng ngày bão, bầu trời đen thui thì không được ngắm ông trăng, chẳng được xem múa lân và cũng chẳng được cùng nhau hát hò phá cổ đêm rằm. Thế nên nhà nào biết nhà đó. Mấy chị em chúng tôi tự chơi với nhau, lấy thùng carton đội lên đầu, lấy cái trống nhỏ tự đánh tùng tùng rồi cùng nhảy múa lân, cùng ăn bánh nướng, bánh dẻo cơ quan ba tôi phát cho. Nhà đông con nên có lợi, mỗi khi lễ tết thường được phát quà gấp đôi nhà người ta.Thành ra bánh kẹo hay đồ chơi sẽ được nhiều hơn và tiếng cười, nói hay chí chóe, cãi cọ nhau cũng rộn rã hơn…

Lớn lên, xa quê hương, ở thành phố lập nghiệp, bận rộn đến quên cả tiếng trống lân, cũng không còn thời gian để nhìn lên bầu trời xem chị Hằng, chú Cuội. Đôi khi nhớ ra, chạnh lòng nhắn tin cho mấy đứa em ở quê hỏi: “Giờ này ở quê đã có múa lân chưa mấy đứa?” 

Hỏi xong, tự nhiên thấy cả một bầu trời ký ức của những mùa Trung thu xưa cũ chợt hiện về trong tâm trí...

Trần Trà My

Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


Trần Trà My
  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu