Thứ 6, 17/05/2024 07:31:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 18:13, 29/01/2014 GMT+7

Ngôi nhà gỗ 11 tỷ đồng của chàng thợ mộc trẻ

Thứ 4, 29/01/2014 | 18:13:00 4,260 lượt xem

Từ chợ Bù Nho vào tới trung tâm xã Long Bình (Bù Gia Mập) khoảng 17km. Hai bên đường bạt ngàn cao su. Đoạn trung tâm xã Long Hà và Long Bình, hòa trong tấp nập buôn bán mang dáng dấp thị tứ là thấp thoáng những ngôi nhà xây kiểu biệt thự hiện đại hai bên đường đan xen khá dày với những căn nhà xây, nhà gỗ cấp 4. Qua UBND xã khoảng 1km, chúng tôi đến thôn 4, xã Long Bình để hỏi tìm một gia đình trẻ có căn nhà gỗ thuộc loại “hàng khủng”. Một người chỉ đường cho chúng tôi nói liền: “Nhà Lượng - Mai, không trật được”. Quả đúng như vậy. Khi chúng tôi tới nơi, thấy ngôi nhà mới hiểu rõ hơn câu trả lời “không trật được” ấy.


Hai căn nhà trên và dưới của gia đình anh Lượng làm theo kiểu “thượng rường, hạ kẻ”

Vợ chồng anh Trần Trọng Lượng - chị Lê Thị Mai cùng tuổi Ất Mão (1975). Anh Lượng quê ở xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, vào Long Bình, huyện Bù Gia Mập năm 1993. Vốn liếng không có, tuổi trẻ chỉ có sức và chút kỹ năng nghề mộc học được ở quê, anh Lượng đi làm thuê cho các xưởng gỗ. Gom góp hơn 2 năm được chút tiền, anh về quê cưới vợ rồi hai vợ chồng vào Long Bình lập nghiệp - như bao người di cư đến vùng đất mới, bắt đầu từ làm thuê làm mướn.

“Cùng tuổi nằm duỗi mà ăn” - người xưa nói vậy. Vợ chồng anh Lượng từng làm thuê để sinh sống, nhưng cũng từng mua mủ cao su đem tận cửa khẩu phía Bắc để xuất khẩu sang Trung Quốc và thua lỗ, lại quay về với mảnh vườn của gia đình, tích cóp hiện có hơn 10 ha cao su đang tuổi khai thác. Chị Mai giờ đã là bà chủ cơ sở thu mua mủ cao su của bà con trong vùng, nhưng vẫn mang tính cách chất phác của người nông dân. Chồng làm nhà hết bao nhiêu tiền, nhà làm bằng gỗ gì chị cũng không biết.

“Nhà trên làm hết 180m3, nhà dưới hết 120m3 gỗ, trong đó 70% là căm xe, 30% là gõ đỏ. Cả nhà trên và nhà dưới đều có lòng 200m2.

 

Nhà làm theo kiểu “thượng rường, hạ kẻ” (còn gọi là “thượng chồng rường, hạ kẻ chuyền”), đều có 6 x 6 cột. Tổng chi phí làm hai căn nhà hơn 11 tỷ đồng, trong đó nhà trên hơn 7 tỷ đồng, nhà dưới hơn 4 tỷ đồng”.

 

       Anh Trần Trọng Lượng cho biết

“Anh ấy thích làm kiểu gì thì làm, miễn có nhà mình ở là được” - nhu cầu của chị chỉ đơn giản như vậy. “Gỗ lạt anh ấy tích cóp, gom góp từ hồi nào, anh ấy tính làm nhà ngang dọc thế nào cũng chẳng biết” - chị Mai thật tình với vẻ như đó là chuyện của... hàng xóm. Được một lúc, chị thêm thông tin: “Nhà hướng tây là theo tuổi chồng. Phải cắt đầu cột năm 2011 là năm hai vợ chồng 37 tuổi mới được. Năm 2012 mới bắt đầu làm chính thức”.

Rành rọt từng chi tiết, nhưng cũng phong cách không khác vợ bao nhiêu, anh Lượng lý giải về căn nhà gỗ làm hết 11 tỷ đồng của mình: Mình là thợ mộc, đi làm cho người ta nhiều, lâu dần “mê” nhà gỗ. Ngày trước trong vùng nhiều gỗ. Gỗ đi mót, nhặt được đem về và mua thêm, trong 5 năm gom góp dần mới đủ chứ không có tiền mua một lúc.

Khi chuẩn bị đủ gỗ, đầu năm 2012 anh Lượng thuê 10 thợ mộc giỏi từ Thanh Hóa vào làm nhà. Cuối năm 2012, căn nhà chính đặt nóc và cơ bản hoàn thành. Sau đó, anh Lượng tiếp tục làm nhà dưới và đã hoàn thành mấy tháng qua, chỉ còn nội thất đang dở dang. Riêng tiền công thợ mộc làm nhà cho anh Lượng lên tới 1,5 tỷ đồng.

Nhà trên dựng trên nền bê tông, tầng hầm chia thành nhiều phòng. Toàn bộ tầng chính căn nhà hoàn toàn bằng gỗ, lợp mái ngói. Cánh cửa chạm trổ kiểu “bích bàn”. Sàn, vách, rui đều lát kín gỗ. Cột chính (còn gọi là cột cái) đường kính đều hơn 50cm, một người ôm không hết; các cột quân đường kính đều hơn 30cm. Nhà có 2 tầng mái, mỗi tầng mái có 4 mái gồm 2 mái chính và 2 mái đầu hồi. Kết cấu kiến trúc căn nhà giống như kiến trúc của một ngôi đình cổ với chạm trổ cầu kỳ.

Vợ chồng anh Lượng cho biết: Hiện gia đình đang sử dụng một số gian, phòng tầng hầm của nhà chính vào sinh hoạt riêng, tầng trên chủ yếu làm nơi thờ cúng. Nhà dưới sẽ dùng làm nơi tiếp khách và sinh hoạt chung của gia đình. “Nhà chỉ có hai vợ chồng với 3 đứa nhỏ, con trai lớn học lớp 12 ở Đồng Xoài thỉnh thoảng mới về, nên nhà cửa rộng rãi, thoải mái...” - chị Mai nhẹ nhàng nói.

Bạt ngàn cao su và vùng thôn quê còn thưa thớt dân cư sẽ đổi thay từng ngày. Và có lẽ căn nhà của anh Lượng sẽ chứng kiến sự đổi thay ấy hàng trăm năm nữa.

             Trần Phương

  • Từ khóa
110678

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu