Thứ 7, 04/05/2024 14:38:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 20:36, 30/01/2014 GMT+7

Ươm mầm nơi biên giới

Thứ 5, 30/01/2014 | 20:36:00 374 lượt xem

HỌC TIẾNG ĐỒNG BÀO
ĐỂ HIỂU HỌC TRÒ

Chúng tôi đến điểm lẻ ấp Thạnh Phú của trường Mẫu giáo Hướng Dương, xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh) trong giờ tổ chức trò chơi. Khi có khách lạ, những em người Kinh đã nhanh nhảu cất tiếng chào, còn các em dân tộc Xêtiêng thì ngơ ngác nhìn nhau vẻ rụt rè. Đến phần “nặn đất màu”, số em người Kinh nhanh chóng nặn thành cái bánh, trái táo, củ cà rốt... ngay sau khi nhận được phần đất màu cô giáo đưa, còn các em khác thì cầm đất trên tay và hướng ánh nhìn sang phía bạn như chưa biết chuyện gì. Hiểu ý, cô Tô Thị Xuyến đến gần và cầm tay từng em hướng dẫn thao tác, khi xong “tác phẩm” cả cô và trò cùng cười. Cô Xuyến nói: “Nụ cười của các em là niềm vui của giáo viên. Các em người dân tộc thiểu số tiếp thu chậm hơn so với các em người Kinh, nên mình phải luôn nhẹ nhàng, kiên trì tập luyện cho các em. Mỗi ngày làm một việc nhỏ, một thói quen tốt, như: Ngồi học ngay ngắn, không bôi bẩn lên tường, không đánh bạn, giữ sạch ly sau khi uống nước... Lâu dần, những điều đó sẽ trở thành nếp sống cho các em”.

Cô Phạm Thị Hiền cùng các em trong giờ tập tô

Cô Xuyến cho biết: “Ngày đầu nhận lớp, tôi bỡ ngỡ và gặp khó khăn. Lớp có 25 trẻ, trong đó 14 em dân tộc Xêtiêng. Do cô trò không hiểu tiếng của nhau nên mọi hướng dẫn tôi phải dùng động tác tay để biểu đạt”. Đặc biệt, có trường hợp sau khi giải thích, hướng dẫn nhiều lần mà các em vẫn chưa hiểu, cô Xuyến liền “bập bẹ” bằng tiếng Xêtiêng. Do hơn một tháng đứng lớp, có sự qua lại tiếp xúc với phụ huynh các em nhiều nên cô Xuyến đã bổ sung được ít vốn ngôn ngữ này.

Cách đó không xa, điểm lẻ tại ấp 8B của trường Mẫu giáo Hoa Phượng, xã Lộc Hòa (Lộc Ninh) cũng khá nhộn nhịp với giờ học “các em tự xây dựng”. Lớp có 24 em là người dân tộc Xêtiêng, do cô Phạm Thị Hiền đứng lớp. Tiết học thật sinh động, cô đóng vai trò là người hướng dẫn, còn các em tự xây dựng các mô hình. Chỉ sau 15 phút, các em đã nhanh chóng lắp ghép vật liệu có sẵn thành một ngôi nhà cùng khu vườn xinh đẹp, có nhiều cây hoa rực rỡ.

Cô Hiền vui mừng cho biết: “Nhìn chung, các em còn nhút nhát hơn so với học trò người Kinh. Tuy nhiên, thuận lợi là điểm lẻ của trường đã mở tại đây được 6 năm nên việc các em đến trường mỗi ngày đã trở thành nề nếp. Do rèn luyện mỗi ngày nên đến nay, trong lớp đã có một số em chủ động đến hỏi cô, đến lớp biết chào cô, về nhà biết chào cha mẹ, lễ phép với người lớn...”. Cô Hiền chia sẻ thêm, để tiết học có hiệu quả, bản thân giáo viên phải tự trau dồi vốn tiếng nói của đồng bào Xêtiêng nhằm theo sát các em, đặc biệt giúp cô - trò thêm hiểu nhau.


YÊU NGHỀ MẾN TRẺ

Mỗi buổi sáng khi mặt trời vừa ló dạng trên rừng cao su xanh hút tầm mắt, cũng là lúc cô Tô Thị Xuyến đã tươm tất việc nhà, chuẩn bị một ngày mới cùng học trò thân yêu. Đoạn đường từ nhà đến điểm lẻ ấp Thạnh Phú, xã Lộc Thạnh dài 16km, thế nhưng ngày nào cũng vậy, từ 6 giờ sáng, cô Xuyến đã có mặt tại lớp để đón học sinh. Bữa nào lớp vắng, cô Xuyến lại đến từng nhà chở các em. Không gì cực bằng những ngày mưa gió, hay lễ hội truyền thống của đồng bào, cô phải tự đưa đón các em ở xa đi về. Thế nhưng, đổi lại sự vất vả đó, cô đã nhận được lòng tin, sự yêu mến của học sinh và các bậc phụ huynh.

Dù bộn bề khó khăn vì cơ sở vật chất thiếu thốn, dụng cụ dạy học, đồ chơi chủ yếu phải tự làm ở nhà, tận dụng từ đồ dùng của gia đình, hoặc chai nhựa, phế liệu gom được... nhưng những giáo viên mầm non nơi biên giới vẫn miệt mài gắn bó với nghề. Dù khoảng cách về ngôn ngữ là rào cản không nhỏ nhưng họ luôn vun vén cho sự nghiệp “trồng người” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số xa xôi.

Điều mà cô Xuyến trăn trở là hiện vẫn còn tình trạng đồng bào thích thì cho con đi học, không thích thì để con ở nhà hoặc cùng đưa theo vào rẫy. Khi đó, cô Xuyến lại mang theo mì gói, hay hộp bánh, gói kẹo... đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em trở lại lớp. Trường hợp nào khó, cô nhờ đến cán bộ phổ cập mầm non, ban điều hành ấp cùng đến thuyết phục. Nơi xa nhất từ nhà học trò đến trường dài 2km, đường khó đi nhưng cô Xuyến vẫn lặn lội đến đón mỗi khi phụ huynh nhờ, hoặc bận chuyện gia đình, vườn rẫy.

Cô giáo Phạm Thị Hiền thì “khỏe” hơn nhiều so với các cô giáo đứng lớp ở những nơi mới khởi điểm. Để có tiết dạy sinh động, cô Hiền luôn tranh thủ thời gian rảnh rỗi ở nhà, tận dụng phế liệu, vỏ chai nhựa, cắt, dán thành nhiều đồ chơi như: Cây xanh, con cá, ôtô, tranh... cho các em. Nhờ đó giờ học thêm vui nhộn đã cuốn hút được các em đến lớp đều đặn hơn. Còn chuyện cô Hiền phải đến tận nhà đón các em đi học cũng không hiếm. Bởi như lời cô: “Cứ đến mùa rẫy, đồng bào thường cho các em nghỉ học. Nhiều khi đến lớp thấy vắng học trò là mình lại dắt xe đi tìm. Cực một chút nhưng học sinh trở lại lớp là mình vui rồi”.

Cô Nguyễn Thị Điền, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Hướng Dương, xã Lộc Thạnh, cho biết: Do ở địa bàn vùng biên giới nên giáo viên và học sinh có nhiều thiệt thòi hơn so với nơi khác, cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ dạy học, đồ chơi. Ngoài điểm chính ở ấp Thạnh Trung và 2 điểm lẻ ở ấp Thạnh Phú và Thạnh Biên (học nhờ nhà văn hóa ấp), đến nay trường vẫn chưa có điều kiện mở lớp tại 2 ấp Thạnh Tân, Thạnh Cường. Để tạo sự gắn kết, chia sẻ với điểm lẻ, ban giám hiệu luôn thực hiện luân chuyển giáo viên bằng cách xoay vòng mỗi giáo viên đứng lớp một năm. Từ đó giáo viên sẽ năng động và dễ thích nghi với môi trường, cũng như điều kiện làm việc ở từng nơi. Thành công trong việc giữ sĩ số lớp học chính là nhờ lòng yêu nghề mến trẻ của giáo viên vùng biên. Vì vậy, trường luôn bảo đảm đủ số lượng học sinh trong suốt quá trình học tập từng năm.                     

Hải Châu

  • Từ khóa
110689

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu